MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đình Cung: Với ngành công nghiệp ôtô, người ngoài đã tận dụng WTO tốt hơn

Sau 20 năm bảo hộ ngành công nghiệp ôtô và 10 năm gia nhập WTO với những kỳ vọng lớn, cuối cùng Việt Nam “trắng tay” vì “người ngoài tận dụng WTO tốt hơn” theo bình luận của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.

1.006 ôtô với tổng trị giá hơn 3,73 triệu USD nhập cảng có xuất xứ Ấn Độ. Indonesia xuất khẩu 1.823 xe du lịch sang Việt Nam. 1.585 chiếc khác, đa số là xe bán tải, được nhập khẩu từ Thái Lan. Những số liệu thống kê tháng 1 của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam đã thực sự trở thành điểm đến của xe nhập khẩu, thay vì triển vọng về một ngành sản xuất ôtô.

Nhìn lại 10 năm gia nhập WTO, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá nước ta tương đối thành công trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ khai thác lao động giá rẻ, tài nguyên, ưu đãi thuế và gần như không chuyển giao công nghệ và rất ít kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Từ cuối năm 2016, Bộ Công Thương đã thừa nhận thất bại trong sản xuất ôtô du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 400 doanh nghiệp trong ngành chỉ sản xuất được gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, một số sản phẩm nhựa. Rất ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và sản xuất những phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao.

Theo bà Phạm Chi Lan, các hãng lắp ráp xe du lịch chỉ cam kết nội địa hóa nhằm “xí chỗ” vào thị trường đang được ưu đãi bảo hộ lớn bởi Chính phủ. Không ít hãng trong số 11 liên doanh biết rằng họ khó có thể thực hiện được mục tiêu nội địa hóa do Việt Nam đặt ra.

Thực tế cho thấy ngành phụ trợ phục vụ cho công nghiệp ô tô của Việt Nam rất yếu. Năm 2008, sau gần 1 thập kỷ lắp ráp, liên doanh lớn nhất Việt Nam tuyên bố chưa một chiếc xe Toyota nào có con ốc “made in Vietnam”. Phần lớn linh kiện cấu thành ôtô được nhập khẩu từ chính những nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc.

Hiện nay, dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất nước là Innova cũng chỉ đạt 37%. Mức này còn kém rất xa mục tiêu 60% do Bộ Công Thương đặt ra cho năm 2010. Các dòng xe còn lại xuất xưởng trong nước khi tỷ lệ nội địa hóa bình quân là 7-10%.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho biết một số hãng ô tô Nhật Bản có thể sẽ tính tới chuyện rút sản xuất khỏi Việt Nam. Nguyên nhân được đại diện JETRO đưa ra là do sự “giậm chân tại chỗ” của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Đây là diễn biến mới nhất sau khi Toyota Việt Nam ngỏ ý “từng bước ngừng sản xuất các mẫu xe do chi phí sản xuất cao hơn xe nhập khẩu” hồi giữa năm 2015. Lúc đó, Bộ Công Thương đã được nhận được bản đề nghị 5 điểm từ phía Toyota Việt Nam để hãng có thể duy trì sản xuất trong nước sau năm 2018.

Bà Phạm Chi Lan đánh giá những tuyên bố trên đơn thuần là cách đòi hỏi thêm ưu đãi. Bà Lan cho rằng: “Chừng nào cơ chế còn có lợi cho họ thì họ làm. Đến lúc họ tính toán là 2018, thuế nhập khẩu không còn nữa, không cạnh tranh được, nhập khẩu về có lợi hơn, thì họ quay sang nhập khẩu. Có thế thôi!”.

Việc thiếu chiến lược phát triển ngành khi đất nước gia nhập WTO đã khiến Việt Nam không có ngành chế tạo ôtô. Thay vào đó, đất nước vừa là nơi nhập khẩu linh kiện, vừa trở thành thị trường tiêu thụ xe của các nước trong khu vực.

“Tham gia WTO với kỳ vọng lớn. Nhưng cuối cùng, người ngoài đã tận dụng nó tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ sự nuối tiếc.

Viện trưởng CIEM cho rằng đã có một sự “hợp sức nhằm lũng đoạn thị trường ôtô Việt Nam” của các liên doanh lắp ráp xe trong nước. Theo ông Cung, bài học lớn cần được rút ra là trong nước phải có những thay đổi thể chế để thích ứng với điều kiện hội nhập. Chính những bảo hộ quá lâu bằng thuế và sự chậm trễ trong ban hành chiến lược phát triển đã khiến ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở nên “trắng tay”.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên