MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ts. Trần Du Lịch: Doanh nghiệp đừng thất vọng nếu TPP không có Mỹ

Mấu chốt để Việt Nam phát triển là cải cách đồng bộ về mặt thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, dù TPP không thực thi, nhưng đó là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế theo nội dung đã cam kết trong TPP. Vì vậy, đây là điểm rất có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là đánh giá của Tiến sĩ Trần Du Lịch tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2017” do Ban Kinh tế Trung Ương và Thời Báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

Các FTAs đã ký kết đủ để Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng

Thế giới có thể biến đổi, TPP có thể không hiện thực hay không có Mỹ tham gia, nhưng tất cả những gì Việt Nam đã ký kết hợp tác, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) hay Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đủ để Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng hơn nữa.

Thế giới dù có biến đổi hay không, mấu chốt để Việt Nam phát triển được hay không là cải cách đồng bộ về mặt thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Tôi đánh giá cao, dù TPP không thực thi, nhưng đó là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế theo nội dung như đã cam kết trong TPP. Đây là điểm rất có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi nghiên cứu nội dung 3 chương trong TPP, nếu chúng ta làm theo cam kết đó, trước hết có lợi cho chúng ta, đây là yếu tố quan trọng, nên doanh nghiệp đừng thất vọng” – Ts. Trần Du Lịch.

Trông chờ chất lượng tăng trưởng

Ts. Trần Du Lịch cho rằng, năm 2017 liệu chúng ta có thể đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra hay không là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là kết quả hay Chính phủ triển khai thế nào kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua.

Bởi, Chính phủ đã làm kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế từ 2011 – 2015 nhưng kết quả đạt được rất hạn chế. Từ năm 2011 đã có chủ trương Chương trình, đầu năm 2013 đã phê duyệt tái cơ cấu Chính phủ, các Bộ ngành đã rốt ráo nhưng dường như chỉ mới phê duyệt. Vì vậy, năm 2017 chúng ta đang triển khai Chương trình trong đó có 5 hạng mục ưu tiên 10 nhiệm vụ trọng tâm.

“Tôi nghĩ rằng cái chúng ta ttrông chờ là quá trình đó để dẫn đến vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chất lượng tăng trưởng và hi vọng năm 2017 sẽ có bước đột phá hơn”. Hiện Chính phủ đang tập trung là Du lịch là ngành mũi nhọn và nông nghiệp công nghệ cao và chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Đây là 2 vấn đề đã được đề cập trước đây nhưng chưa mạnh dạn.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, kinh tế 2017 sẽ không có tăng trưởng đột biến, nhưng không có tác động tiêu cực để làm giảm, những chỉ tiêu đề ra tương đối là khả thi.

Ngoài ra, Ts. Trần Du Lịch dự báo những quyết sách để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn sẽ có kết quả hơn trong năm 2017. Đặc biệt, làm sao trong kỳ họp tới đây Quốc hội có thể thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Bởi Luật này gắn SMES với công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, để phát triển được doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ cần nghiên cứu chính sách khuyến khích các công ty tư vấn kiểm toán, kế toán làm dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi dù cho hơn một nửa hộ kinh doanh cá thể có thể đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp nhưng họ vẫn không nâng lên thành doanh nghiệp do khoán thuế khỏe hơn kế toán.

Mong cải cách thể chế đồng bộ hơn

Liên quan đến vấn đề thể chế hiện nay, Ts. Trần Du Lịch đánh giá chưa bao giờ Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và thể chế như vậy. Chúng ta nghe nói nhiều đến Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động…..

“Đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ, nhưng chúng ta mong chờ cải cách thế chế đồng bộ hơn trong đó liên quan hành chính và tài chính công. Nếu Chính phủ quyết tâm, nỗ lực thay đổi nhưng hệ thống hành chính không thay đổi thì hiệu quả đạt được từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là rất thấp”.

Ts. Trần Du Lịch tin rằng quá trình cải cách đồng bộ sẽ có chuyển biến tích cực hơn để xử lý môi trường kinh doanh đầu tư mà đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được chú trọng. Hiện chúng ta có nền tảng quan trọng là hệ thống pháp luật sửa đổi tương đối đồng bộ. Vì vậy, từ 2017 môi trường kinh doanh sẽ được nâng cao.

Liên quan đến TP.HCM với nỗ lực là đầu tàu kinh tế, theo tiến sĩ Trần Du Lịch tất cả những đóng góp của TP.HCM trong thời gian qua quan trọng nhất là hình thành thể chế kinh tế trong nước. Nhưng TP.HCM đang vướng trở ngại với hệ thống pháp luật đang bao phủ. Do đó, để phát triển sánh ngang Singapore….TP.HCM cần cần tăng tính tự chủ của Chính quyền đô thị.

Theo Hồng Quân

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên