MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Trương Văn Phước: Trích 70.000 tỷ dự phòng nợ xấu, lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ tăng

11-11-2016 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: 5 năm trở lại đây lợi nhuận, cổ tức của ngân hàng xuống rất thấp chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro cao. Tuy nhiên năm nay lợi nhuận của ngân hàng bật tăng trở lại đạt khoảng 40.000 tỷ đồng dù đã phải trích lập 2/3 lợi nhuận cho dự phòng rủi ro.

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
37 bài viết

Trao đổi trong buổi hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính năm 2016” diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nội do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức, Ts.Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban nhận định thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 có nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực đạt được những kết quả khả quan.

Tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 ước đạt 18-19%

Đánh giá chung về tình hình tài chính trong nước, ông Phước nói: Đặc điểm của thị trường tài chính trong vài năm trở lại đây có những gam màu sáng tối khác nhau, nhưng tựu chung lại là có nhiều gam màu sáng rõ nét.

Cụ thể, quy mô tài chính tăng trưởng rất nhanh, mấy năm trở lại đây GDP tăng 6%, 7%, 8% thì quy mô thị trường tài chính tăng ở mức 12%, 15-16%.

Nếu tính tỉ lệ sinh lời trên tài sản ở đa số các lĩnh vực như Bảo hiểm, ngân hàng , mức sinh lời năm ngoái là 0,5% thì năm nay ước đạt là 0,6%. Còn tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thì năm ngoái là 6%, năm nay ước đạt 7,6%.

Riêng ngành ngân hàng năm 2016 cho thấy có sự nới lỏng trong chính sách tiền tệ và điều này hết sức cần thiết, M2 tăng 13,5% so với mức 10% năm 2015. Thông thường điều này sẽ tác động tới lạm phát. Tuy nhiên, cho đến nay lạm phát danh nghĩa của chúng ta vào khoảng 4,5%, trừ đi điều chỉnh giá thì còn 1-1,5%. Vì thế có thể thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ năm nay đã không ảnh hưởng gì tới nền kinh tế chung.

Theo ông Phước, trong mấy tháng gần đây lãi suất tín dụng ngân hàng cũng giảm nhiều do có sự chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước, ở mức 8,5%, tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn ở mức cao. Như vậy, lãi suất cũng khó giảm sâu và bền vững. Và trong đầu năm 2017, để đảm bảo các tỉ lệ an toàn mới được NHNN áp dụng, các TCTD sẽ nghiêng về huy động vốn có kỳ hạn nhiều hơn.

Năm qua, thanh khoản của các ngân hàng cũng đã được cải thiện. Huy động tăng cao hơn cho vay, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng giảm dần theo định hướng của NHNN. Tín dụng ước tính tăng là 18-19%, mức tăng tương đối lớn. Phân bổ vốn được đánh giá đi vào thực chất hơn tuy nhiên vẫn có một vài dấu hiệu cần băn khoăn như tín dụng cho bất động sản hay tín dụng tiêu dùng quá cao chiếm khoảng 40% tổng nguồn vốn, trong đó có nhiều tiền đổ vào các dự án chung cư cao cấp.

Bức tranh lợi nhuận các ngân hàng sẽ sáng sủa hơn?

Trả lời câu hỏi bên lề về bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2016 và năm tới, ông Trương Văn Phước cho rằng có 2 điểm nổi bật là nợ xấu và lợi nhuận.

Theo đó, lợi nhuận ngân hàng, cổ tức ngân hàng 5 năm trở lại đây rất thấp là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, đặc biệt là trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu cũ. Tuy nhiên, trong 5 năm, các ngân hàng cũng đã trích lập tương đối nhiều, và trích lập đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là năm nay lợi nhuận chung của ngân hàng bật tăng trở lại, tăng khoảng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng dù đã phải trừ đi 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Do đó, thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một bức tranh lợi nhuận sáng sủa hơn của các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng những nguồn lực tài chính tổng hợp nhà nước để xử lý một vấn đề tồn đọng rất lớn đó là nợ xấu.

Đặc trưng năm 2016 là chúng ta đã dùng VAMC ít hơn vào khoảng 20%, còn lại 80% là tự các TCTD xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn là vấn đề rất nhức nhối. Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu trên sổ sách tính đến thời điểm này vào khoảng 2,8% đến 2,9% nhưng nợ xấu bán cho VAMC vẫn còn đang gặp khó khăn và tìm cách tháo gỡ vẫn chiếm khoảng 4,4% trên dư nợ tín dụng. Cùng với đó, IMF cũng nhận định rằng “có một vài tài sản khá nhức đầu” trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng bao nhiêu cần phân loại đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn để có phương hướng xử lý và giải quyết.

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

Trở lên trên