MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TTCK tuần 14/08 - 20/08] Chứng khoán Việt dè dặt trong vùng trũng thông tin, TTCK thế giới tiếp tục trải qua bão táp

Căng thẳng trong chính trị đã khiến giới đầu tư trên toàn thế giới lo lắng. Chứng khoán Mỹ đã có những phiên giảm điểm khá mạnh trong tuần qua, chứng khoán Châu Âu đối mặt với nhiều biến động giằng co và cả những căng thẳng leo thang khi bạo loạn khủng bố diễn ra liên tục…

TTCK Việt Nam dè dặt trong giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy sự lo lắng, giằng co vẫn đang thường trực trong tâm lý nhà đầu tư khi thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 768,97 điểm, giảm 3,11 điểm (- 0,4 %) và HNX – Index dừng lại ở 100,83 điểm, giảm 0,03 điểm (- 0,03 %) không đáng kể so với tuần liền trước.

Đáng chú ý, vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần, thị trường đã có một nhịp hồi phục. Phiên sáng thứ 6, lực bán tiếp tục tăng cao tại nhóm cổ phiếu bluechips và nhanh chóng lan rộng ra toàn thị trường, VN-Index rơi xuống mức thấp nhất trong ngày tại 762,56 điểm trong phiên ATO. Tại đây, lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực hơn giúp nhiều mã lớn đảo chiều tăng điểm và đà giảm của chỉ số dần được thu hẹp. Sự lan tỏa tăng giá đã diễn ra khá rộng trong phiên chiều tạo nên một phiên nâng đỡ tâm lý cho nhà đầu tư vào cuối tuần .

Trong tuần qua, việc đón một tân binh gây sốt của ngành ngân hàng lên sàn cũng không khiến thị trường bứt phá khi vào chào sàn (17/08), cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cùng thị trường nói chung và dòng họ nhà bank nói riêng chìm trong sắc đỏ. VN-Index đã điều chỉnh giảm gần 6 điểm và xuất hiện áp lực bán trên diện rộng.

Một điểm đáng chú ý tuần qua chính là sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm ngành phân bón. Thông tin Bộ Công Thương đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế Giá trị gia tăng sang chịu thuế 0% đã tạo nên một phiên giao dịch hứng khởi với các cổ phiếu phân bón như LAS, BFC, DCM, DPM, SFG… trong ngày 16/08 .

Thông tin CTCP Hùng Vương (HVG) quyết định rao bán 4 khu đất có vị trí đắc địa với diện tích hơn 20.000 m2 thuộc công ty con là địa ốc An Lạc để dồn lực vào phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi là thủy sản cũng khiến cổ phiếu HVG của DN này có mức bật tăng trần ấn tượng vào ngày 15/08.

Bên cạnh đó, vào cuối tuần, thông tin lợi nhuận sau thuế của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) điều chỉnh giảm từ mức 1.137 tỷ đồng trước soát xét xuống còn 1.019 tỷ đồng, tương đương mức giảm 118 tỷ đồng trong báo cáo tài chính bán niên sau soát xét 2017 là một tin tức được nhiều người quan tâm.

Đối với thị trường CK phái sinh, cả 4 hợp đồng đều có sự giảm sút về điểm số đáng kể trong phiên cuối tuần, tuy nhiên đã ghi nhận sự tích cực hơn từ yếu tố thanh khoản trên toàn thị trường tuần qua.

TTCK thế giới tiếp tục một tuần bão táp

Tại Mỹ, thị trường cổ phiếu đóng cửa giảm sau một tuần biến động bị chi phối bởi những lo ngại về xung đột toàn cầu. Hôm thứ hai, chỉ số S&P 500 đã đạt được mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ 4 tháng qua, nhưng sau đó lại mất hết điểm số đã tăng vào thứ năm. Đây là mức giảm sâu nhất trong 3 tháng. Theo The Wall Street Journal, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 274 điểm vào thứ năm đã chấm dứt 63 phiên giao dịch liên tiếp mà không có sự biến động lớn hơn 1% theo cả hai hướng. Giá dầu giảm khiến cổ phiếu năng lượng phải chịu sự suy giảm mà nhà đầu tư nước này gọi là “tồi tệ nhất” trong tuần.

Đối với Châu Âu, cổ phiếu ngân hàng gây ảnh hưởng tới thị trường. Chứng khoán châu Âu ghi nhận mức tăng 3 phiên liên tiếp trước khi giảm sâu trong hai ngày còn lại của tuần. Cổ phiếu ngân hàng và công nghiệp đã bắt đầu tuần lễ bằng cách tăng mạnh mẽ. Sự phục hồi của đô la Mỹ làm cho các sản phẩm từ các công ty châu Âu rẻ hơn cho người mua hàng ở Mỹ, đã hỗ trợ cho sự tăng giá của cổ phiếu khu vực EU.

Tuy nhiên vào cuối tuần, sự đảo chiều rõ rệt trong chứng khoán đã phản ánh biến động địa chính trị. Các ngân hàng trong chỉ số Châu Âu Stoxx 600 giảm mạnh gần 2% vào ngày thứ năm, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ tháng 5. Nhiều ngân hàng lớn của châu Âu đặc biệt nhạy cảm với các tin tức kinh tế của Mỹ bởi vì họ có hoạt động chính ở Mỹ. Ngoài ra, các cổ phiếu giảm điểm sau khi các biên bản từ cuộc họp Ngân hàng Trung ương Châu Âu tháng trước cho thấy mối quan tâm về tỷ lệ lạm phát yếu và sự mạnh lên của đồng Euro.

Các cổ phiếu của Tây Ban Nha giảm sau 2 cuộc tấn công khủng bố. Vụ thứ nhất xảy ra tại một khu vực đông khách du lịch ở Barcelona đã giết chết ít nhất 13 người và làm bị thương hơn 100 người. Vụ tấn công thứ hai xảy ra ở Cambrils, một thị trấn phía tây nam của Barcelona. Trong chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha, hầu hết các hãng hàng không, khách sạn, và các cổ phiếu liên quan đến du lịch khác đều lao dốc mạnh mẽ .

Đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản, tuần qua đã xảy ra diễn biến sụt giảm liên tục. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average giảm mạnh 259 điểm và đóng cửa ở mức 19.470. Sau khi tăng giá so với đồng bạc xanh trong 5 tuần liên tiếp, đồng yên hầu như không thay đổi so với đồng USD trong tuần, đóng cửa gần mức 109 yên/đô la, cao hơn 6,9% so với 117 yên/đô la vào cuối năm 2016 .

Thị trường CK nước này diễn ra biến động mạnh dù văn phòng Nội các Nhật Bản tuần qua cũng đã tiến hành công bố mức tăng trưởng GDP thực 4% /năm (đã điều chỉnh lạm phát) cho quý 2. Ước tính sơ bộ phản ánh tăng trưởng 1% so với quý trước, vượt qua kỳ vọng tăng trưởng của các nhà kinh tế 0,6% và đánh dấu chuỗi tăng trưởng GDP thứ sáu liên tiếp. Có thể nói , động lực tăng trưởng quan trọng nhất là nhu cầu trong nước, tăng 1,3% so với quý trước. Một số biện pháp khác của tăng trưởng trong nước cũng mạnh mẽ, bao gồm tiêu dùng cá nhân (0,9 %), nhà ở (1,5%), và đầu tư tư nhân (2,4%).

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên