MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK Việt Nam vẫn chưa hồi phục do nhà đầu tư lo ngại viễn cảnh “nước tăng lực” cắt giảm thuế hết tác dụng tại Mỹ?

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên chú ý rủi ro về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ và đầu tư TSCĐ nếu xảy ra đồng thời với sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Sự lạc nhịp của thị trường tài chính là một bí ẩn và hầu hết chúng ta đều công nhận điều này. Những rung lắc liên tục trên thị trường Mỹ giờ đang gây những dư chấn đến thị trường Việt Nam. Những NĐT thích mạo hiểm giờ cũng đứng ngoài cuộc và thanh khoản sụt giảm mạnh về mức quanh 4.000 tỷ đồng/phiên.

Thị trường vẫn trầm lắng dù Fed đã quyết định ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp vừa qua, giá dầu sụt giảm mạnh (sẽ làm giảm lo ngại về lạm phát), đàm phán thương mại Mỹ-Trung được nối lại và đàm phán Brexit đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Chưa kể là nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius đã nhận định đây là thời điểm để giải ngân mạnh tay trên thị trường mới nổi và giám đốc quỹ đầu tư Allianz Bernstein cũng cho rằng không hề có dấu hiệu down-trend trên thị trường Mỹ.

Ông Anirban Lahiri – Giám đốc phân tích CTCK VNDIRECT cho rằng với những thông tin tích cực này, lẽ ra tâm lý thị trường phải được hồi phục, nhưng hiện tại thì vẫn chưa. Có lẽ nhà đầu tư đang nhìn xa hơn, nghĩ về viễn cảnh sau khi "nước tăng lực" cắt giảm thuế hết tác dụng tại Mỹ. Điều này đặt ra một câu hỏi liên quan đến nền kinh tế có độ mở thương mại lớn như Việt Nam: Khi mà tác dụng của việc giảm thuế qua đi, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ như thế nào?

Tất nhiên, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam - chỉ cần nước Mỹ gặp khó khăn thì nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng điều này lại đặc biệt đúng với Việt Nam vì Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

TTCK Việt Nam vẫn chưa hồi phục do nhà đầu tư lo ngại viễn cảnh “nước tăng lực” cắt giảm thuế hết tác dụng tại Mỹ? - Ảnh 1.

Dựa vào mối quan hệ giữa tăng trưởng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và tăng trưởng ba biến số kinh tế khác nhau của Mỹ: GDP, Đầu tư tài sản cố định (đại diện cho chi tiêu vốn) và Tiêu dùng, VNDIRECT lựa chọn tổng xuất khẩu của Việt Nam thay vì xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ do sức khỏe của nền kinh tế Mỹ tác động đến nền kinh tế toàn cầu, và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam ngoài Mỹ.

TTCK Việt Nam vẫn chưa hồi phục do nhà đầu tư lo ngại viễn cảnh “nước tăng lực” cắt giảm thuế hết tác dụng tại Mỹ? - Ảnh 2.

VNDIRECT đã rút ra một số nhận định như sau:

- Tăng trưởng tổng xuất khẩu của Việt Nam không tương quan chặt chẽ với tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chi tiêu vốn hay chỉ số tiêu thụ ngoại trừ trong chu kỳ suy thoái của Mỹ. Sự tương quan mạnh mẽ trong chu kỳ suy thoái không phải là điều bất ngờ vì khi đó không chỉ nhu cầu hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sụt giảm mà nền kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt khi mà sự suy thoái xảy ra do khủng hoảng ngầm hoặc mang tính hệ thống (VD: Khủng hoảng tài chính 2008); điều này thường kích hoạt hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu.

- Điều bất thường là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có vẻ phụ thuộc vào chi tiêu vốn hơn thay vì chỉ số tiêu thụ của Mỹ. Mặc dù các sản phẩm trên liên quan đến thành tố tiêu dùng hơn là đầu tư, tăng trưởng tổng xuất khẩu của Việt Nam lại có vẻ có tương quan nhiều hơn với tăng trưởng chi tiêu vốn thay vì tăng trưởng tiêu dùng của Mỹ. Có thể thấy cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể qua nhiều năm nhưng các sản phẩm tiêu dùng, thay vì nguyên liệu sản xuất, vẫn luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Vì vậy, đây là một điều khá bất thường.

- Xuất khẩu của Việt Nam dường như "lệch nhịp" với chu kỳ kinh tế Mỹ trong những năm gần đây. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây (2015-2017) có vẻ ít liên quan đến chỉ số tiêu dùng và đầu tư cũng như GDP của Mỹ. Mặc dù việc sử dụng số liệu một vài năm để củng cố luận điểm trên không thực sự hợp lý (đặc biệt khi điều này xảy ra trong chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế), nhưng ông Anirban Lahiri cho rằng sự phân hóa gần đây không chỉ là nhiễu thống kê. Với việc Việt Nam nhanh chóng ký kết các thỏa thuận thương mại song phương và Trung Quốc (cùng với các nước khác ở khu vực Đông Á) trở thành thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng, Mỹ sẽ mất dần vị thế thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam so với quá khứ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, xu hướng này có thể đảo ngược do Việt Nam trở thành nguồn thay thế chính cho các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách tránh thuế nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, với các thỏa thuận thương mại quan trọng sắp tới như Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam và CPTPP đều không bao gồm Mỹ, có thể thấy rằng xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ chịu ít ảnh hưởng từ nền kinh tế Mỹ trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên chú ý rủi ro về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ và đầu tư TSCĐ nếu xảy ra đồng thời với sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên