MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTF: Cửa này đóng lại, cửa khác có mở ra?

04-06-2017 - 10:46 AM | Doanh nghiệp

Khủng hoảng từ việc kiểm toán phát hiện hàng tồn kho bốc hơi và lỗ lũy kế nặng nề khiến Cty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) đứng bên bờ vực phá sản năm 2016. Nhưng có vẻ “số” của Gỗ Trường Thành “chưa tận”.

Vậy với nền tảng của một DN từng nhiều năm giữ vị thế “vua gỗ”, cánh cửa nào sẽ mở ra với TTF?

Cổ đông mới, tín hiệu mới

Trong giai đoạn TTF suy sụp, sự vững vàng của Tân Liên Phát, cổ đông lớn nắm sở hữu cổ phần chi phối đã cứu TTF không đi đến con đường phá sản. Tuy nhiên, đợt tái cấu trúc đó chưa thể dừng lại mà vẫn ngầm diễn ra trong suốt 2016.

Không những vậy, đầu tháng 5/2017, ông Mai Hữu Tín - một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ doanh nhân 3.0, chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành kiêm TGĐ Cty này. Ông Tín hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư U&I và vị trí cao ở nhiều DN khác như Giấy Sài Gòn, KienlongBank...

16.000 tỷ đồng là hợp đồng “bảo lãnh” khá vững về đầu ra cho TTF. Đó là hợp đồng cung ứng – tiêu thụ sản phẩm kéo dài tới 5 năm với một Tập đoàn địa ốc hàng đầu.

Như vậy, ông Tín và U&I đã thay Tân Liên Phát chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Gỗ Trường Thành. Và như vậy cũng có nghĩa U&I đã gánh trách nhiệm tái cấu trúc TTF trong giai đoạn kế tiếp.

U&I với hơn 20% cổ phần sở hữu TTF, gắn kèm là kinh nghiệm điều hành trực tiếp của một nhà đầu tư tài chính nổi tiếng mát tay trong các vụ “giải cứu” tái cấu trúc như đã từng diễn ra ở NHTMCP Kiên Long hay Giấy Sài Gòn cùng kinh nghiệm trong ngành gỗ... đã khiến kỳ vọng TTF bật dậy được nhen nhóm trên thị trường chứng khoán.

Phản ứng của giá cổ phiếu TTF, từ mức ngang giá ly trà đá tăng lên và hiện đang dao động trên mức 8.000đ/CP trở nên dễ hiểu, cho dù trước đó, tin TTF tiếp tục lỗ lũy kế quý 1/2017 tới gần 17 tỷ đồng thực sự khá u ám.

Những điều kiện để TTF “trở mình”

Sự tăng giá trên thị trường chứng khoán của TTF là 1 điều kiện cần để TFF có cơ hội tăng huy động vốn. Trong quá khứ, TTF từng phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, huy động nhằm xử lý các khoản nợ quá hạn và có vốn lưu động vào năm 2013 với kết quả không đối tác chiến lược nào mua ngoài cổ đông hiện hữu và sau đó là các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Nhưng dù sao đó cũng là một lần phát hành thành công.

Kịch bản này, theo giới chuyên môn, hoàn toàn có thể lặp lại. Tuy nhiên, trong kế hoạch phát hành cổ phần huy động mà TTF vừa đưa ra, có một số điểm khác sẽ khác câu chuyện cũ.

Thứ nhất, như đã nói trên, TTF đã có một quá trình đủ dài để đi đến thay máu cổ đông lẫn nhân sự điều hành. Có nghĩa là định hướng điều hành TTF sẽ hoàn toàn khác các nhà sáng lập đã từng để TTF nở quá rộng so với năng lực quản trị giới hạn.

Thứ hai, từ điều này, nhà đầu tư hiện hữu lẫn tương lai ở TTF có thể hy vọng hơn vào vị trí Cty liên kết của U&I, sẽ giúp TTF vừa được hậu thuẫn, vừa khơi thông mọi đầu ách tắc. Ông Tín, với uy tín và năng lực quan hệ của mình, cũng có thể sẽ “lôi kéo” thêm được nhiều đối tác, nhà đầu tư mới cùng chung tay giúp TTF trở mình.

Thứ ba, TTF hiện tại đang có một “bảo lãnh” khá vững về đầu ra khi có hợp đồng cung ứng – tiêu thụ sản phẩm kéo dài tới 5 năm với một Tập đoàn địa ốc hàng đầu, một nhà tiêu thụ các sản phẩm và trang trí nội, ngoại thất bằng gỗ với công suất lớn. Giá trị hợp đồng 16.000 tỷ đồng phơi bày bài toán nguồn thu cơ bản của TTF trong 5 năm khá rõ. Vấn đề còn lại chỉ là TTF phải làm sao để có vốn, khắc phục nợ cũ, bổ sung nguồn lực để phát huy hiệu quả của vùng trồng có xuất xứ tốt (được kỳ vọng là top 3 DN sở hữu vùng trồng gỗ lớn nhất ASEAN)...

Thứ tư, thời điểm TTF chọn phát hành cổ phiếu tái cấu trúc tài chính rơi vào 6 tháng cuối năm, khi thị trường chứng khoán được dự báo sẽ sôi động và hấp dẫn hơn với các sản phẩm phái sinh. TTF cũng có thời gian để chuẩn bị. Mặt khác, các cổ đông tương lai cũng có đủ độ lùi để kiểm chứng vai trò của cổ đông mới trong giai đoạn mới tại TTF, lẫn tìm hiểu cơ hội phục hồi của DN từng nắm vị trí đầu ngành.

TTF có thể nói đang là một “game” khá đặc biệt trên thị trường chứng khoán mà những người chơi, dù tổ chức hay cá nhân, đều lão luyện thượng thừa. Sự gia nhập của một ngân hàng, như một nguồn tin chưa kiểm chứng, theo đó, hoàn toàn có khả năng.

TTF đang chờ một cổ đông ngân hàng?

Có một điểm thú vị, theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán của TTF 2016, TTF có các chủ nợ lớn là những ngân hàng: Việt Á (chi nhánh Bình Dương và chi nhánh Buôn Mê Thuột), Vietinbank (chi nhánh TP HCM), Đông Á (chi nhánh Bình Dương), SHB (chi nhánh Phú Nhuận), Kiên Long (chi nhánh Bình Dương), BIDV, VDB (chi nhánh Đăk Lăk, Đăk Nông), Agribank (chi nhánh Buôn Mê Thuột) trong đó đa phần là nợ vay ngắn hạn.

Tổng nợ vay NH ngắn lẫn dài hạn, nợ vay cá nhân, các bên liên quan và nợ vay chuyển đổi của TTF đến cuối 2016 lên tới 2.637,3 tỷ đồng. Về phía chủ nợ NH, lớn nhất vẫn là khoản nợ vay Việt Á Bank tại 2 chi nhánh đạt hơn 653 tỷ đồng. Đặt giả thiết Việt Á Bank, với sự quan tâm lâu nay của mình cho TTF, nếu có kế hoạch tham gia rót vốn ở vị trí nhà đầu tư tương lai, hy vọng không bao gồm việc trở thành cổ đông sở hữu cổ phần từ chuyển đổi nợ thành vốn góp hoặc nếu có, ViệtÁ Bank hay bất kỳ đối tác mới khác vẫn sẽ rót thêm “tiền tươi thóc thật” cho TTF. Có như vậy, đợt phát hành nhằm huy động vốn tái cấu trúc tài chính của TTF mới thực sự mang lại nguồn tiền, giúp DN dễ bề hồi phục.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên