MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chỉ số PAPI: “Chủ nghĩa vị thân” ngày càng tăng khi xin việc trong cơ quan Nhà nước

Nghiên cứu chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) trong 6 năm (từ 2011 – 2016) đã khẳng định mối quan ngại của “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công.

Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016) vừa được công bố sáng nay.

Báo cáo phản ánh ý kiến đánh giá của hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên trên 63 tỉnh thành trong cả nước thể hiện về trải nghiệm hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

Đáng lưu ý, chỉ số PAPI năm nay cho thấy chỉ số kiểm soát tham nhũng ở khu vực công tiếp tục đà sụt giảm của năm 2015. Số người trả lời cho rằng cần phải “bôi trơn”, “lót tay” để có thể xin được việc làm vào khu vực công, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để học sinh trường tiểu học công lập được thầy cô giáo quan tâm hơn.... đều tăng lên so với 2 năm trước.

Cụ thể, năm 2016 có 54% người cho rằng phải đưa “hối lộ” mới xin được việc trong cơ quan Nhà nước cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Phát hiện nghiên cứu PAPI trong 6 năm qua khẳng định mối quan ngại của người dân về vấn nạn của chủ nghĩa vị thân và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Ở Lào Cai, đa số người trả lời tin rằng cần “quan hệ cá nhân” để xin vào khu vực công. Về hiện trạng lót tay, năm 2016, chỉ khoảng 15% số người trả lời ở Thái Nguyên cho rằng họ không cần phải đưa “lót tay” mới xin được việc nhà nước, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65% ở Trà Vinh.

Bên cạnh đó, PAPI 2016 cũng chỉ ra hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương không có chuyển biến đáng kể. Đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng vào nhà nước ngày càng trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.

Tuy nhiên, phía nghiên cứu PAPI vẫn cho rằng những quyết tâm gần đây của bộ máy nhà nước trong việc giảm thiểu tinh trạng vị thân, chú trọng phát hiện những trường hợp tuyển vào bộ máy nhà nước bằng quan hệ cá nhân có thể là điểm sáng hi vọng trong thời gian tới.

Theo đó, trước mắt, để rằng cường hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, các cấp chính quyền cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương được đánh giá cao hơn trong việc đảm bảo công bằng tuyển dụng công chức.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên