MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện kinh nghiệm chuyên ngành con số 0 nhưng vẫn được nhận cho đến văn hoá tuyển dụng độc đáo của các doanh nghiệp Nhật Bản

17-02-2020 - 02:07 AM | Sống

Nếu không tin, bạn hoàn toàn có thể lên một số diễn đàn Nhật - Việt và hỏi, đảm bảo có rất nhiều người thậm chí không qua trường lớp đào tạo chuyên ngành nhưng vẫn được tuyển dụng.

Trước khi apply vào một công ty nào đó, hẳn bạn sẽ chú trọng đến phần "yêu cầu" của công ty đó dành cho vị trí bạn mong muốn. Thông thường, họ sẽ yêu cầu bạn phải tốt nghiệp Đại học/cao đẳng chuyên ngành ấy, không thì cũng cần có X năm kinh nghiệm tuỳ cấp bậc. Nhưng đã bao giờ chị em gặp dòng chữ "không yêu cầu kinh nghiệm" chưa nhỉ?

Ở Việt Nam có thể chưa thực sự nhiều công việc kiểu đó, nếu không thì cũng toàn công việc đòi hỏi ít kỹ năng chuyên môn. Nhưng tại đất nước mặt trời mọc Nhật Bản - ngay cả những công việc có lượng kiến thức chuyên ngành rất nặng như IT, kỹ sư, quảng cáo truyền hình... vẫn sẽ có thể tuyển ứng viên với kiến thức nằm ở con số 0.

Từ chuyện kinh nghiệm chuyên ngành con số 0 nhưng vẫn được nhận cho đến văn hoá tuyển dụng độc đáo của các doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 1.

Điều này sẽ đặt ra một tò mò lớn, bởi ai cũng biết Nhật Bản là một đất nước tôn trọng kỷ luật, phép tắc đến mức dập khuôn. Liệu những nhà tuyển dụng của xứ sở hoa anh đào lại để nhân viên bước vào công ty mà không có trình độ sao? Nhưng điều này là hoàn toàn có thật, và đó là một nét văn hoá tuyển dụng đặc sắc của Nhật Bản.

Tại Nhật, họ không quá quan tâm về việc bạn đã học được gì ở Đại học mà chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo nhân viên từ con số 0. Sau khi bước vào công ty, mỗi nhân viên sẽ có 3 đến 6 tháng để thực tập, huấn luyện. Khoảng thời gian đó là lúc mọi người được học về giao tiếp, văn hoá làm việc và không thể thiếu đi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, tất cả bắt đầu từ con số 0.

Từ chuyện kinh nghiệm chuyên ngành con số 0 nhưng vẫn được nhận cho đến văn hoá tuyển dụng độc đáo của các doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, người Nhật thích thú với những ứng viên mà họ cho rằng "hợp với văn hoá công ty" hay "cống hiến được lâu dài" hơn là những người giỏi. Nói ngắn gọn, họ tuyển người hợp, chứ không tuyển người giỏi. Và trong các bài test của công ty Nhật, họ đều đưa ra những câu hỏi khai phá bản thân bên trong của từng ứng viên (sở thích, điểm mạnh, điểm yếu...)

Anh Tuân tốt nghiệp bằng xuất sắc và nằm trong top 10 sinh viên ưu tú nhất của ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương. Sau đó anh sang Nhật để bắt đầu một công việc mới, một cuộc sống mới. Thật bất ngờ, anh chọn tiếng Nhật - một thứ ngôn ngữ xa lạ với mình để học và một công ty về IT - ngành học quá khác biệt so với kinh tế đối ngoại anh từng theo học.

Từ chuyện kinh nghiệm chuyên ngành con số 0 nhưng vẫn được nhận cho đến văn hoá tuyển dụng độc đáo của các doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 3.

Những tưởng chàng trai ấy sẽ phải từ bỏ vì gian nan chồng chất, nào ngờ anh đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, tính đến nay là 3 năm anh sinh sống tại đất nước mặt trời mọc. Anh Tuân chia sẻ:

"Mình sang Nhật trước tiên là để học tiếng Nhật. Ban đầu có một vài bỡ ngỡ nhưng vì khả năng ngôn ngữ tốt nên mình sớm đạt được bằng cấp cao và thành thạo giao tiếp. Sau đó mình mới đi tìm việc. Một hôm bạn mình đưa mình thông báo tuyển dụng của một công ty về IT, rồi bạn bảo mình cứ apply đi, đừng sợ. Lúc ấy mình cũng hoang mang lắm nhưng vì thôi cứ thử, đằng nào chẳng mất gì.

Thật bất ngờ, mình được nhận vào vị trí IT khi mình chẳng có một kiến thức gì về công nghệ thông tin hết. Thời gian đầu, mình được các tiền bối dạy từ con số 0 về kỹ năng nghiệp vụ và các kỹ năng mềm khác. Khó lắm, nhất là với một sinh viên Ngoại thương như mình. Nhưng 3 tháng, rồi 6 tháng, 1 năm... kiến thức mỗi ngày được tích luỹ, và mình đã khá thành thạo với công việc từ lúc nào chẳng hay. 

Sếp từng bảo mình lý do ngày xưa ông ấy chọn mình vào làm là vì mình sống có mục tiêu. Hồi phỏng vấn tuyển dụng, mình vạch ra được mục tiêu dài hạn, ngắn hạn và những mong muốn của mình. Người Nhật muốn thấy những điều đó hơn là nhìn tấm bằng Đại học vô nghĩa. Thêm nữa, hầu hết các giám đốc của Nhật luôn cho rằng "công việc là thứ không thể hoàn thành một mình", vì vậy, họ có xu hướng đánh giá cao những người có thể làm việc một cách ăn ý với những người xung quanh hơn là những người có khả năng làm việc."

Vậy nên, các chị em công sở, đặc biệt những ai đang muốn tìm kiếm cho mình một công việc mới, hãy cứ mạnh dạn thử và thể hiện mình với nhà tuyển dụng. Biết đâu bạn sẽ thấy một ngã rẽ mới trên chặng dài sự nghiệp thì sao?

Theo Quiry

Trí thức trẻ

Trở lên trên