MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện “mang dao lên máy bay” của người Nhật đến việc giữ chữ tín của shark Việt

Nét văn hóa trọng chữ tín không chỉ tạo ra sức nặng vô hình đối với giá trị sản phẩm mà còn đem lại những thứ không đong đếm được bằng tiền từ đối tác, nhân viên thậm chí đối thủ cạnh tranh.

Chuyến Boeing chở dao Nhật

Vốn là đất nước có lịch sử dài gắn liền với chiến tranh, sở hữu một thanh kiếm cao cấp từng được xem là biểu tượng cho đẳng cấp xã hội tại Nhật Bản. Thứ vũ khí này được xem là tài sản quý giá đối với những người có địa vị cao và Samurai của xứ sở hoa anh đào. Rèn kiếm trở thành một nghề nổi tiếng khắp Nhật Bản cho vùng đất hình U có tên Seki. Sau khi kiếm bị cấm lưu hành dưới thời Minh Trị, một số nghệ nhân sản xuất kiếm bắt đầu làm dao và dụng cụ làm bếp. Tinh thần rèn kiếm cho Samurai vẫn được họ theo đuổi để rèn ra những chiếc dao đẳng cấp cho cuộc sống hiện đại.

Seki ngày nay được xem là thủ phủ rèn dao kéo nhà bếp hiện đại của Nhật Bản, nơi sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại kết hợp cùng kỹ năng rèn cổ xưa. Các công ty sản xuất dao kéo lớn có trụ sở tại Seki hiện nay sản xuất những dụng cụ nhà bếp theo phong cách truyền thống của Nhật Bản và phong cách phương Tây.

Một trong những công ty sản xuất dao nổi tiếng tại Seki có tên là Fujita. Công ty này nổi tiếng với các loại dao nhà bếp siêu sắc nhọn, được lựa chọn rộng rãi và được sử dụng bởi các chuyên gia, trường ẩm thực nổi tiếng và những người yêu thích nấu ăn trên thế giới. Không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, Fujita từng bảo thủ tới mức không bán sản phẩm ra nước ngoài hay bán trên Internet.

Ông chủ Goto cũng là 1 người thợ rèn cho hay việc bán sản phẩm trên Internet khiến người xem không thể hình dung được sự xuất sắc của con dao Fujita và với ông như thế là bán hàng vô trách nhiệm. Về sau khi công ty lớn lên, Goto bắt đầu mở rộng thị trường ra quốc tế với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành công nghiệp địa phương.

Từ chuyện “mang dao lên máy bay” của người Nhật đến việc giữ chữ tín của shark Việt - Ảnh 1.

Không chỉ nổi tiếng với chất lượng sản phẩm xuất sắc, Fujita còn được biết đến là một đối tác giữ chữ tín và trở thành huyền thoại kinh điển về văn hóa kinh doanh của người Nhật. Theo hợp đồng, Fujita sẽ giao 3 triệu chiếc dao nĩa cho một công ty thực phẩm ở Chicago (Mỹ) vào ngày 1/9. Tuy nhiên, một vài sự cố thiết bị xảy ra khiến lô hàng chỉ được hoàn tất vào ngày 30/8, tức truớc hạn giao đúng 1 ngày. Nếu áp dụng cách giao hàng như đã thỏa thuận (vận chuyển bằng tàu, thời gian giao mất 1 tháng) đồng nghĩa với việc lô hàng không thể đến Chicago đúng hạn.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, lãnh đạo Fujita đã quyết định thuê trọn gói chiếc máy bay Boeing 707 để chở toàn bộ lô hàng đến Chicago đúng hạn đã cam kết. Công ty vẫn thực hiện dù số tiền bỏ ra cao gấp trăm lần so với giá cước thuê tàu, và dẫn đến lợi nhuận của Fujita bị sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, hành động này đã khiến công ty thực phẩm của Mỹ vô cùng cảm động và khâm phục. Những năm tiếp theo họ tiếp tục đặt mua dao nĩa của Fujita với số lượng tăng gấp đôi, gấp ba và trở thành khách hàng thân thiết của hãng trong suốt thời gian dài.

Chữ tín của doanh nhân Việt

Thẳng thắn nhận trách nhiệm, biết đặt uy tín lên trên lợi ích, lợi nhuận của công ty là cách giúp người Nhật tạo có được lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng. Không chỉ tại Nhật, giữ chữ tín luôn là tôn chỉ kinh doanh của giới kinh doanh trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Chữ tín là điều được doanh nhân ngành xây dựng Nguyễn Thanh Việt đặt lên hàng đầu. Ông Việt vốn là Chủ tịch CTCP Intracom và được biết đến nhiều trong cộng đồng khởi nghiệp khi tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam.

Từ chuyện “mang dao lên máy bay” của người Nhật đến việc giữ chữ tín của shark Việt - Ảnh 2.

"Tôi khuyên các bạn phải giữ chữ tín. Ta có thể thành công, có thể thất bại nhưng đừng làm thằng hèn. Đừng có mất uy tín", shark Việt nhắn nhủ giới startup trong một cuộc gặp gỡ cách đây không lâu.

Vì sao chữ tín lại quan trọng đến vậy? Ông Việt lấy một ví dụ thực tế là việc áp dụng mô hình hợp tác xã. Theo ông cũng mô hình này nhưng Israel thành công còn tại Việt Nam thì thất bại bởi "chúng ta thiếu chữ tín".

Hiện nay Israel vẫn còn 2 loại hợp tác xã. Loại thứ 1 theo mô hình kinh doanh và làm việc như công xã nguyên thủy. "Họ ăn cùng nhau, học ở đâu đều do hợp tác xã trả, các bà mẹ cùng nấu các bữa ăn", shark Việt cho biết. Loại hợp tác xã thứ 2 là sản xuất cùng nhau, ký với nhà cung cấp và họ giữ chữ tín theo hợp đồng đã ký bất kể giá cả lên xuống như thế nào.

"Nếu mình khởi nghiệp thì phải nghĩ lòng tin là số 1", shark Việt khẳng định. Ngay như chính bản thân ông, bí quyết để thành công cũng chính là giữ chữ tín. Thậm chí có những lời hứa theo doanh nhân tận 10 năm vẫn quyết làm bằng được. Theo ông như thế mới có bạn bè, có đồng nghiệp, có người trung thành với mình.

Rõ ràng nét văn hóa trọng chữ tín không chỉ tạo ra sức nặng vô hình đối với giá trị sản phẩm mà còn đem lại những thứ không đong đếm được bằng tiền từ đối tác, nhân viên thậm chí đối thủ cạnh tranh.

Thu Thúy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên