MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ HoSE nhìn về “giấc mơ” trung tâm tài chính quốc tế

Từ HoSE nhìn về “giấc mơ” trung tâm tài chính quốc tế

Tình trạng đơ và nghẽn tại HoSE đã “đánh” vào những yêu cầu cần đảm bảo để hiện thực hóa “giấc mơ” Việt Nam có trung tâm tài chính quốc tế.

Đã thành thói quen, cứ đến đầu giờ chiều phiên giao dịch hàng ngày, nhà đầu tư lại chuẩn bị "tâm thế" sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nghẽn, mà từ họ gọi vui dân dã là "rút phích".

Cả lượng và chất đều bị biến dạng

Đã khoảng ba tháng trôi qua, tình trạng trên vẫn chưa thể xác định cụ thể thời điểm khắc phục được. Dần dà, nhà đầu tư cũng phải làm quen, tự tìm cách thích nghi và ứng xử cho riêng mình. Nhưng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một quãng biến dạng kéo dài chưa có điểm kết. Điều này trở nên quan trọng trong mắt của các tổ chức quốc tế.

Không chỉ bên ngoài, các tổ chức đầu tư quốc tế đang ở tại TTCK Việt Nam cũng đang phải sống chung với sự méo mó trên. Ít nhất, điều kiện đầu tư tưởng như tối thiểu đã thay đổi. Điển hình như, thông lệ nhiều năm qua, các kỳ tái cơ cấu của các quỹ, giao dịch lô lớn tập trung vào các đợt khớp lệnh đóng cửa (ATC) trên HoSE. Với tình trạng đơ nghẽn ba tháng qua và trước mắt, hoạt động tái cơ cấu này là bất khả thi.

Giao dịch tái cơ cấu các quỹ trước đây phổ biến các lệnh đến hàng triệu đơn vị tập trung ở đợt ATC, và lệnh giao dịch đối ứng cũng quy mô rất lớn. Nhưng nay, từ hàng triệu đơn vị "đấu súng" như trước đây, trên sàn HoSE chủ yếu chỉ lọt được các lô lệnh rất nhỏ.

Không nói đâu xa, ngay phiên ngày 17/3 với tình trạng đơ quen thuộc vào buổi chiều, lệnh ATC và khớp được tại hàng loạt cổ phiếu lớn trong rổ VN30 chỉ lẻ tẻ 300 - 400 đơn vị. Như tại BID có 400 đơn vị, BVH và MWG hay GAS chỉ đúng tối thiểu lô 100 đơn vị, hay tại VCB cũng chỉ cần lọt lô 300 đơn vị cũng đã đủ để "đổi màu" giá cổ phiếu…

Với thực trạng trên, từ sự biến dạng về lượng, thay đổi về chất cũng dễ dàng trở nên bị méo mó. Từ khi "rút phích" cho đến lúc đóng cửa, giá cổ phiếu có thể không còn phản ánh được tinh thần của phiên, mà tùy thuộc vào một vài lô lệnh nào đó lọt được vào hệ thống và khớp.

Như trên, tình trạng biến dạng kéo dài và chắc chắn không tránh khỏi con mắt của các tổ chức quốc tế nhìn vào và đánh giá. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang "mơ" về việc thiết lập được một trung tâm tài chính quốc tế.

"Quả thật là rất khó…"

Từ năm 2018 Thành ủy và UBND TP.HCM đã giao cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và Trường đại học Fulbright Việt Nam xây dựng đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Nhiều hội thảo về đề án trên đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của giới tài chính và nhà đầu tư.

Trong một lần trò chuyện với báo chí, TS. Trương Văn Phước, thành viên chuyên trách Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói rằng, trước đây vẫn có sự nhầm lẫn về việc xây dựng và phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Nhầm lẫn ở việc xây dựng những tòa nhà chọc trời, hoành tráng như Hồng Kông, Dubai, Singapore…; tập hợp loạt ngân hàng và công ty tài chính, quỹ đầu tư gom lại tại một trung tâm như Phố Wall của Mỹ…

Không phải như vậy. Theo TS. Trương Văn Phước, đó là nhầm lẫn giữa việc xây dựng và phát triển hạ tầng vật chất với hạ tầng cơ chế. Vấn đề đặt ra ở đây là cơ chế có tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của giới tài chính, đầu tư quốc tế hay không. Ví như tự do hóa tài khoản vãng lai như thế nào, chính sách tỷ giá hối đoái lên quan, các sản phẩm và cơ chế giao dịch… Nói cách khác, đó là một hạ tầng mềm về cơ chế, về chính sách để thu hút được giới đầu tư quốc tế.

Dĩ nhiên, yếu tố hạ tầng vật chất có vai trò quan trọng, như là một yêu cầu tối thiểu. Ở đây, hạ tầng giao dịch tại HoSE với tình trạng đơ nghẽn dẫn đến biến dạng nói trên là một "cú đánh" vào "giấc mơ" xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Trò chuyện bên lề với BizLIVE đầu tuần này, một chuyên gia khác nhìn nhận rằng, khi tình trạng hạ tầng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu tư và thậm chí là cả kết quả đầu tư của nhà đầu tư, thì đây là điều tối kỵ khi nói đến việc thu hút giới đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

"Với thực trạng như hiện nay thì quả thật là rất khó. Để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì khó nhất là thay đổi về thể chế, rồi vấn đề con người. Ngay cả về hạ tầng tối thiểu để đáp ứng giao dịch còn là vấn đề lớn thì còn khó lắm", vị chuyên gia trên nói.

Và ông hỏi ngược lại phóng viên BizLIVE: "Tôi cũng từng hỏi một thành viên nghiên cứu đề án trên. Bạn cũng thử tìm hiểu câu trả lời xem. Hồng Kông, Dubai, Singapore… đã là trung tâm tài chính quốc tế hay chưa, hay chỉ là khu vực? Nhìn sang họ đã, rồi xem triển vọng của mình".

Quan tâm hay vô tâm?

Xét về cụ thể, tại một hội thảo trực tuyến cuối năm 2020 về đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, ông Andrew Weir - Phó chủ tịch KPMG tại Hồng Kông có nêu ý kiến đáng chú ý.

Theo chuyên gia này, TP.HCM cần quan tâm các trụ cột chính: sự minh bạch cơ chế quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của Chính phủ trong thiết lập trung tâm tài chính, đảm bảo môi trường cạnh tranh giúp nguồn vốn có điểm đến, đa dạng công cụ tài chính bằng việc quan tâm thị trường chứng khoán...

Như vậy, một yếu tố lõi trong xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế là quan tâm tới thị trường chứng khoán. Nhìn ngược lại, tình trạng của HoSE nói trên là một thực tế.

Cuối năm 2020, khi hiện tượng nghẽn lệnh, đơ dữ liệu hiển thị giao dịch xuất hiện trên HoSE, nhà đầu tư và báo chí lần lượt phản ánh. Thế nhưng, phải đến khi "nhân" một cuộc hội thảo và báo chí đặt câu hỏi, đại diện lãnh đạo HoSE mới chính thức lên tiếng cụ thể và chi tiết về hiện tượng đó. Giả dụ, nếu không có cuộc hội thảo đó, báo chí không đặt câu hỏi thì lãnh đạo HoSE sẽ tiếp tục im lặng?

Và kéo dài sau đó, phải đến một hội nghị gần đây ý kiến của Bộ Tài chính và của Thủ tướng Chính phủ về tình trạng trên mới chính thức được truyền đạt đến công chúng.

Còn đến thời điểm này, một "lời xin lỗi" nào đó, việc nhận trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức… vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Phát triển thị trường chứng khoán, xa hơn là "giấc mơ" trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi nhiều yêu cầu về thể chế, cơ chế, hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, nhân sự…; và cũng không kém quan trọng là yếu tố tinh thần, mà trong đó có sự quan tâm, thiện chí, thái độ và trách nhiệm.

Theo Minh Đức

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên