MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tư lệnh ngành giao thông: "Khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Long Thành khiến tôi lo lắng nhất"

Bộ trưởng Nghĩa nói rằng cá nhân ông và Bộ Giao thông Vận tải cũng như Đồng Nai rất tha thiết mong Quốc hội thông qua...

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói, khi nhận nhiệm vụ về Bộ GTVT, có nhiều dự án nhưng riêng dự án Sân bay Long Thành khiến Bộ trưởng lo lắng nhất.

Mối lo mà bộ trưởng nói đến là về tiến độ.

“Sau khi có Nghị quyết 94 của Quốc hội, Bộ GTVT đã xin Chính phủ cơ chế đặc thù về việc có thi thiết kế không, hay là phương án lựa chọn. Nhưng Chính phủ vẫn yêu cầu thi. Theo trình tự, nếu thi so với đề xuất ban đầu của Bộ thì sẽ chậm 1 năm. Chính phủ cho rằng đây là dự án hết sức quan trọng, nên Chính phủ yêu cầu theo trình tự của Luật Xây dựng. Qua cuộc thi có 9 nhà tư vấn quốc tế tham gia. Hội đồng nhà nước chọn 3 phương án. Trưng cầu ý kiến cộng đồng tại 4 địa điểm. Hội đồng đưa ra 7 phương án để chọn. Có sự đồng thuận rất cao giữa ý kiến của người dân và cộng đồng dân cư. Khi đó, báo cáo Thủ tướng để quyết nhưng Chính phủ lại cẩn thận yêu cầu một cuộc nữa. Và cho đến nay đã có kết quả cuối cùng, cũng mới tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi”- Bộ trưởng Nghĩa nói tại buổi thảo luận ở tổ chiều ngày 1/6.

Trước đó, trình bày tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nghĩa cho biết căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình triển khai thực hiện Dự án cho thấy cần thiết phải tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai Dự án.

Bởi theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án. Nếu không tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến năm 2019) thì có thể phải kéo dài thời gian thực hiện Dự án thêm 2 – 3 năm. Khi đó, kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm do giá thị trường xung quanh khu vực dự án liên tục tăng. Hơn nữa, Dự án có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, người dân sống trong vùng Dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ; cơ sở hạ tầng không được đầu tư.


Bộ trưởng Giao thông Vận tải thuộc đoàn đại biểu Sơn La phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 1/6

Bộ trưởng Giao thông Vận tải thuộc đoàn đại biểu Sơn La phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 1/6

Trở lại vấn đề thảo luận ở tổ, Tư lệnh ngành giao thông cho biết, phải rất quyết tâm thì năm 2019 mới có thể có báo cáo khả thi trình Quốc hội. Nếu theo luật khi đó mới làm giải phóng mặt bằng.

Liên quan việc giải phóng mặt bằng, bộ trưởng Nghĩa cho biết, thực tế, các dự án trọng điểm quốc gia thì để địa phương làm giải phóng mặt bằng là tốt nhất, nên Bộ GTVT được sự đồng ý của Chính phủ đã có tờ trình. Chính phủ cũng đã giao Đồng Nai lập dự án. Thường vụ Quốc hội đã nghe Đồng Nai báo cáo và đánh giá là có chuẩn bị kỹ càng.

Về khoản vốn 23.000 tỷ đồng phục vụ cho dự án, có nhiều ý kiến nói rằng phải làm rõ xem nguồn này lấy từ đâu khi từ 2016-2020 chỉ có 5.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư công, và rằng khoản tiền để giải phóng mặt bằng hơn 5.000 ha là dùng trong một lần là rất lớn khó có thể huy động đủ, Bộ trưởng cho biết theo đề án của Đồng Nai, cho thấy có rất nhiều phương án, trong đó có đất khu vực với khái niệm đô thị sân bay, còn từ nay đến năm 2019, dự kiến trước mắt cần 12 nghìn tỷ chứ chưa cần đủ 23 nghìn tỷ. Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được báo cáo Quốc hội vào kỳ sau.

Bộ trưởng cũng nói thêm, khi làm sân bay Long Thành có nhiều ý kiến về khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có hơn không, thì Quốc hội đã chọn phương án sân bay Long Thành.

Dẫu vậy Bộ trưởng cũng giải đáp thêm, nếu muốn tăng công suất Tân Sơn Nhất, làm đường băng phía Bắc, cần giải phóng 200 ha, phải giải toả 140 nghìn hộ dân với chi phí cần 9 tỷ USD. Đó là chưa nói tới khả năng tần suất máy bay tăng lên khiến người dân sẽ phải chịu ô nhiễm tiếng ồn. Phương án này đã được đề cập rồi chứ không phải bây giờ mới nghĩ tới.

Song được sự ủng hộ rất lớn của Bộ Quốc phòng, tới đây sẽ làm thêm đường lăn, tăng cường sân đỗ, làm thêm nhà ga. Hiện Tân Sơn Nhất có công suất 28 triệu lượt khách nhưng năm 2016 đã lên tới 32 triệu, vượt 37% công suất thiết kế. Việc mở rộng cũng chỉ thêm được khoảng 15 triệu lượt khách. Điều đó cho thấy sân bay này là hết sức chật chội và việc đầu tư Long Thành là hết sức cần thiết.

Nghị quyết của Quốc hội cho thấy năm 2025 là phải đưa giai đoạn 1 của Long Thành vào khai thác. Đây là việc buộc phải thực hiện, cũng là tiến độ vô cùng khắt khe trong quá trình thực hiện.

Với sự ủng hộ của Quốc hội, Bộ trưởng cho rằng phải cho tách giải phóng mặt bằng ra như một dự án thành phần thì mới có khả năng thực hiện.

“Cá nhân tôi, Bộ Giao thông Vận Tải và tỉnh Đồng Nai tha thiết được Quốc hội thông qua phương án này để được thuận lợi hơn trong việc thực hiện dự án thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên