MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Tự lượng sức mình khi hứa với cử tri'

11-05-2016 - 07:30 AM | Xã hội

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho rằng, các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV khi tiếp xúc cử tri nên hứa những điều thiết thực nhất, có thể thực hiện được để cử tri tin tưởng.

Thưa ông, hiện đang diễn ra Hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên ĐBQH vận động bầu cử. Theo ông, làm thế nào để đảm bảo công bằng cho các ứng cử viên khi các phương tiện truyền thông dường như chỉ tập trung vào những vị có chức tước?

Qua tình hình các nơi phản ánh thì đây đúng là một thực tế. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhắc nhở các địa phương về tình hình này. Để đảm bảo công bằng và dân chủ thì mọi ứng cử viên cần phải được bình đẳng trong tuyên truyền, vận động tranh cử ở hội nghị tiếp xúc cử tri. Chúng ta có thói quen nhìn lên trên, ít khi nhìn xuống dưới. Hơn nữa, công tác chỉ đạo chưa thực sự quán triệt quan điểm dân là gốc, không nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, thành ra cứ thích “nịnh” cấp trên. Những việc đó là trái với quy định.

Cần tôn trọng quyền bình đẳng của tất cả các ứng cử viên. Có như thế thì cử tri mới xem xét lựa chọn được những người có thực tài chứ không phải lựa chọn những người có chức cao, quyền trọng. Các cơ quan truyền thông, báo chí phải đưa thông tin đồng đều. Nếu không người ta sẽ hiểu theo cách khác về báo chí, hiểu không đúng về các ủy ban bầu cử.

Thưa ông, một số ứng cử viên trong chương trình hành động hứa làm cái này, cái kia, tặng cái này, cái kia, tổ chức gặp gỡ trước với người dân để tặng quà từ thiện, trao nhà tình nghĩa… thì có bị cấm không?

Đó là những hành động luật không cho phép. Điều này rút từ kinh nghiệm thực tế của các kỳ bầu cử ĐBQH các khóa trước. Khóa 11, 12 đều có. Anh dùng tiền tài, đi thăm, cho quà, tặng phong bì những người đến dự là không được… Kỳ này, trong hướng dẫn thì những hành động đó vi phạm luật.

Theo tôi, những ứng cử viên khi trình bày chương trình hành động của mình phải sát thực tế, để khi trúng cử có thể thực hiện được lời hứa của mình. Nếu hứa vượt quá khả năng, quyền hạn của mình thì sao làm được. Kỳ này, người ta có ý kiến ghi lại tất cả những chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH thành một văn bản để khi trúng cử sẽ dựa vào những lời hứa đó xem xét. MTTQ cũng phải theo dõi sát sao, ghi nhận lại để hàng năm nhắc nhở thực hiện những điều đã hứa với nhân dân. Có như thế mới có tác dụng thiết thực. Theo dõi nhiều khóa, tôi thấy không ít trường hợp hứa nhưng mà không làm, thành ra dân mất lòng tin vào đại biểu mình đã gửi gắm.

Liên quan đến chương trình hành động, có ứng cử viên hứa “nếu là ĐBQH, trong 5 năm tới sẽ giải quyết hết tình trạng tắc đường ở Hà Nội” hay “không để vợ con, người thân lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực”. Theo ông, hứa thế có cơ sở không và giám sát có khó không?

Tôi biết người hứa không để người thân, vợ con lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để tiêu cực, tham nhũng là ai. Chúng ta đã có những tấm gương sáng như thế rồi. Có đồng chí khi giữ cương vị cao không bao giờ tiếp khách ở nhà. Đồng chí ấy bảo vợ con rằng “Hễ người ta đến, nhất là các doanh nghiệp đến gặp thì cứ bảo nhà tôi không có nhà, không tiếp khách ở nhà”. Ông cũng nói với vợ con, đây là công việc của nhà nước giao, thành ra không được lợi dụng để vợ con, anh em làm chuyện bậy bạ. Thế hệ trước chúng tôi phục vụ hầu hết đều như thế. Theo tôi, lời hứa trên có thể thực hiện được. Đồng chí ấy đã hứa như thế, và ở cương vị như thế, tôi tin sẽ làm rất tốt, tạo được niềm tin của nhân dân.

Còn lời hứa sẽ làm hết tắc đường ở Hà Nội thì khó. Xưa nay, lãnh đạo T.Ư, lãnh đạo các tỉnh về Hà Nội đều thốt ra một câu “Hà Nội không vội được đâu”. Vì rằng ở Hà Nội động chạm rất nhiều cơ chế của T.Ư, hơn nữa dân Hà Nội tập trung từ nhiều nơi, trình độ, nhận thức, dân trí khác nhau. Thành ra đây là một cuộc vận động vừa về vấn đề nhận thức, vừa về pháp luật. Không đơn giản ngày một ngày hai mà giải quyết được.

Như ông đã nói, sau khi ghi lại các lời hứa, các chương trình hành động của các ứng cử viên thì MTTQ giám sát như thế nào?

Trước đây chưa có luật thì 6 tháng một lần MTTQ mời các vị đến để cùng bàn bạc, xem đã làm được gì và gì chưa làm được. Đến nay, dù luật không quy định nhưng với trách nhiệm của MTTQ, đã giới thiệu, đã trúng cử thì 6 tháng một lần, ban Thường trực MTTQ các cấp nên mời họ đến, để họ báo cáo việc làm được, chưa làm được, MTTQ góp ý, điều này chỉ có tốt mà thôi.

Cảm ơn ông!

Theo Trường Phong (thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên