MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tư nhân đầu tư truyền tải vì muốn "cứu" điện mặt trời: Không "vượt lên luật" nhưng hiệu quả nằm ở đâu?

"Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước và hiện chi phí truyền tải chưa đến 100 đồng/kWh. Như vậy, khi tư nhân đầu tư truyền tải thì phải xác định phí truyền tải để bù đắp lại khoản đầu tư này và chắc chắn con số này sẽ không rẻ như mức 100 đồng/kWh hiện nay" - ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương nhận định.

"Một trong những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là thiếu hạ tầng truyền tải điện, do vậy nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng chưa được chấp nhận. Còn những dự án đã đầu tư và đang hoạt động, cả điện gió và mặt trời thì bị cắt giảm công suất, gây lãng phí về nguồn lực và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi nước ta còn rất thiếu thốn về điện" - ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh đặt vấn đề trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV,

Hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, Tập đoàn Trung Nam đã có nghiên cứu báo cáo với Bộ Công Thương và các bộ, ngành để đề xuất đầu tư xây dựng đường dây 500KV, để đảm bảo công suất và căn cứ trên những hướng dẫn quy định của luật pháp. 

Bộ trưởng Công thương cho biết Bộ cũng đã thẩm định và báo cáo với Chính phủ về việc cho phép là đưa đường dây 500KV này như là một hợp phần trong đầu tư của dự án về phát điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam. 

"Trong Luật Điện lực và trong cả điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực về điện lực cũng quy định vai trò độc quyền nhà nước nên dẫn đến chúng ta không chủ động để đa dạng hóa được mô hình đầu tư của xã hội trong các hệ thống truyền tải điện để đảm bảo nâng cao năng lực giải tỏa công suất và hệ thống truyền tải điện quốc gia" - Bộ trưởng nói.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực để từ đó cụ thể và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500KV, để từ đó có cơ chế và có biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lực này.

Bộ trưởng Công thương cho biết câu chuyện của dự án đường dây 500KV của nhà đầu tư tư nhân đang được vận dụng trong góc độ như là hệ thống đường dây phục vụ cho việc truyền tải và trong phương án truyền tải, phương án đấu nối của các nhà máy điện này với hệ truyền tải quốc gia chứ không phải là vượt lên luật.

Trung Nam Group cho rằng dự án sẽ giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời đã được cấp phép đầu tư ở khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cũng nói rõ mục đích đầu tư đường dây Thuận Nam - Vĩnh Tân là xin Chính phủ cho phép nâng công suất nhà máy điện mặt trời của Trung Nam Group từ 130MW lên 450MW.

"Tuy nhiên, Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước và hiện chi phí truyền tải chưa đến 100 đồng/kWh. Như vậy, khi tư nhân đầu tư truyền tải thì phải xác định phí truyền tải để bù đắp lại khoản đầu tư này và chắc chắn con số này sẽ không rẻ như mức 100 đồng/kWh hiện nay" - ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương nhận định.

"Truyền tải hiện vẫn được xem xét là độc truyền của nhà nước để các bên thứ 3 có thể đấu nối vào với chi phí hợp lý và chấp nhận được. Đúng là tư nhân làm thì sẽ nhanh hơn về mặt thủ tục, nhưng cuối cùng vẫn phải tính hết vào giá điện, mà giá điện Nhà nước đang điều tiết nên không dễ tăng lên mạnh được.

Cũng cần thấy rằng, tư nhân phải thu được cái gì họ mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư đường truyền tải như vậy. Đơn cử Tập đoàn Trung Nam có đề xuất đầu tư ở Ninh Thuận một trạm 500 kV cùng đoạn đường dây 500 kV đấu nối vào Vĩnh Tân dài gần 30 km và nói là sẵn sàng bàn giao miễn phí cho EVN.  Nhưng đồng thời Tập đoàn Trung Nam cũng yêu cầu được bổ sung vào quy hoạch điện thêm khoảng 400 MW điện mặt trời của họ tại Ninh Thuận nữa. Vậy thì đường dây đó cũng chủ yếu xây phục vụ họ chứ không phải để cho tất cả cùng dùng.

Chưa kể, Ninh Thuận đang quá tải về điện mặt trời và không có lưới truyền tải đi xa thì việc bổ sung thêm 400 MW cũng không dễ hấp thụ được" - ông Kim nói thêm.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên