MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ Con Cưng thay nhãn mác: Mua mác giả rẻ hơn mua rau ngoài chợ

27-07-2018 - 09:14 AM | Thị trường

Khaisilk thay nhãn mác hay Con Cưng với nghi án tương tự khiến người mua hoài nghi, lo ngại chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, thị trường tràn ngập nhãn mác giả, với đủ mức giá rẻ giật mình.

Đủ loại nhãn mác giả giá rẻ

Người tiêu dùng hẳn vẫn chưa quên sự việc Khaisilk cắt mác sản phẩm khăn nhập Trung Quốc thay bằng mác Việt hay những ngày qua, hệ thống siêu thị Con Cưng với lô hàng gần 6.000 sản phẩm vướng lùm xùm cắt tem mác cũ, thay bằng tem mới của hãng.

Mặc dù Con Cưng đưa giải thích, thu hồi sản phẩm hay thậm chí Khaisilk đóng hàng loạt cửa hàng vì vụ gian lận thì niềm tin của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp này đã suy giảm nhiều phần.

Từ vụ Con Cưng thay nhãn mác: Mua mác giả rẻ hơn mua rau ngoài chợ - Ảnh 1.

Siêu thị Con Cưng lý giải và trấn an khách hàng qua sự việc bị "tố" cắt mác cũ của sản phẩm và thay bằng mác mới.

Là cơ sở để xác định nguồn gốc sản phẩm và có ảnh hưởng nhất định đến giá bán, song không ít doanh nghiệp, tiểu thương gian lận sẵn sàng "thay tên, đổi họ" cho hàng hóa để qua mắt khách hàng, nâng giá sản phẩm lên gấp hàng chục lần để trục lợi, gây mất niềm tin của người tiêu dùng và nhũng nhiễu thị trường.

Không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân khiến hàng giả hàng nhái chưa được xử lý triệt để do nạn làm hàng giả ngày càng kín đáo và tinh vi hơn. Trong đó, các loại mác giả rất khó phân biệt và việc tìm mua hay in ấn chúng lại vô cùng rẻ.

Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên Google có thể cho hàng trăm kết quả dịch vụ sản xuất, cung cấp các tem, nhãn cho nhiều loại sản phẩm. Đặc biệt phổ biến là mác cho các loại quần áo.

Tại các phố hàng Bồ, pháo đài Láng, Văn Cao (Hà Nội)… để tìm được những cơ sở chuyên cung cấp đủ các loại tem mác, với số lượng và chất liệu khác nhau không khó.

Tại đây, mẫu tem mác của nhiều thương hiệu như Levis, Zara, Mango hay phổ biến nhất là mác "Made in Việt Nam"… được tập hợp thành từng catalog để khách hàng tiện tham khảo và lựa chọn.

Vì việc buôn và in ấn tem mác giả các thương hiệu là phạm luật nên các cửa hàng này cũng dè chừng với khách hàng lạ và phải chắc chắn khách đặt cọc (từ 500.000 – 1 triệu đồng) hoặc được người quen giới thiệu mới mang nhãn mác cho khách tham khảo.

Tùy theo chất liệu bằng lụa hay vải, hay thương hiệu cao cấp hoặc bình dân mà mỗi mác quần áo có giá từ 200 – 500 đồng/chiếc. Chúng sẽ được dân buôn gắn lên những mặt hàng có các tên gọi như "hàng hiệu", "hàng công ty", "hàng nhà máy", "hàng tuồn kho" khi giới thiệu với người mua.

"Càng yêu cầu chi tiết, càng giống mác thật, được dập lỗ hay có sẵn dây thì giá càng đắt hơn", chị Hoa (chủ một xưởng in ấn nhãn mác trên phố Pháo Đài Láng) tiết lộ.

Từ vụ Con Cưng thay nhãn mác: Mua mác giả rẻ hơn mua rau ngoài chợ - Ảnh 2.

Nhãn mác giả trên quần áo được bán với giá rẻ, chỉ từ 200 đồng/chiếc.

Bên cạnh mác chính, những loại mác phụ bên trong sản phẩm (ghi thành phần, lưu ý sử dụng) được bán theo cuộn, phát giá từ 70.000 đồng, có thể cắt được khoảng trên 200 mác (tùy kích thước).

Ngoài nhái các thương hiệu nổi tiếng, những khách có nhu cầu in nhãn mác theo thiết kế, với hình dạng đặc biệt, hay chất liệu như giấy, carton, Kraft sẽ nhận báo giá riêng.

"Càng in số lượng lớn theo mẫu sẵn của cửa hàng thì thời gian nhận mác càng nhanh, chỉ từ 1-2 ngày. In từ 10.000 – 15.000 chiếc thì giá chỉ còn khoảng 100 - 190 đồng/mác", chủ một cửa hàng chuyên in tem mác trên phố Văn Cao cho biết.

Theo tiết lộ của những người này, trung bình mỗi ngày, các cửa hàng với quy mô nhỏ cũng có thể nhận được cả trăm đơn đặt in ấn nhãn mác các loại. Thậm chí, nhiều nơi sẵn sàng từ chối các đơn hàng lẻ, số lượng ít (dưới 200 chiếc).

Từ vụ Con Cưng thay nhãn mác: Mua mác giả rẻ hơn mua rau ngoài chợ - Ảnh 3.

Nhãn mác sản phẩm có thể được in trên nhiều chất liệu, với các thiết kế khác nhau.

Người tiêu dùng hoang mang trước "ma trận" tem mác giả

Ngay cả những thương hiệu lớn, danh tiếng như Khaisilk, hay chuỗi siêu thị Con Cưng với gần 400 cửa hàng khắp Bắc Nam vẫn có thể xảy ra gian lận nhãn mác sản phẩm, thì việc người tiêu dùng hoang mang trước tình trạng này không khó hiểu.

"Việc mua sắm trở thành gánh nặng, nhất là về tài chính khi nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa bị làm giả vì người mua đang phải chịu giá đắt gấp 3-4 lần bình thường. Thật sự không có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng" chị Thanh Hà (một khách hàng trú tại Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.

Nhiều năm là nhân viên bán hàng cho các thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội, Thanh Vân (trú tại hàng Nón, Hà Nội) cho biết, cô cũng từng được nhiều người thân nhờ hướng dẫn phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng "đội lốt" hàng thật.

"Nếu chỉ dựa vào mác thì cũng khó nhận ra điểm khác biệt giữa hàng thật – hàng giả, vì chúng được làm khá giống mác thật. Ví dụ quần Levis thật trong mác phải có đủ ký hiệu style, size quần, độ dài. Các thông tin này phải được dập chìm với mực đen, nhưng khi sờ tay vẫn nhận ra. Nhãn mác thật phải có thông tin đầy đủ, đường chỉ (in) rõ ràng", Vân tư vấn.

Theo Thanh Vân, bên cạnh yếu tố nhãn mác, người mua cần chú ý đến chất liệu sản phẩm, hóa đơn bán hàng và đơn vị cung cấp.

Chị Vân khuyên khách hàng nên chọn cửa hàng phân phối chính hãng. Với hàng xách tay, cần có giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo giá sản phẩm trên các trang web của hãng, nếu hàng bán bên ngoài quá rẻ thì nên cân nhắc.

"Bên cạnh đó, một số loại ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng có thể giúp người mua quét mã vạch, xem xuất xứ sản phẩm", Thanh Vân cho biết.

Nói tới việc gắn nhãn mác giả trên quần áo, Luật sư Thùy Linh (công ty Luật TNM) cho rằng, đây là những hành vi có thể bị xử phạt theo nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm mà mức phạt có thể từ 200.000 đồng tới 40 triệu đồng.

Theo Hoàng Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên