MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai tươi sáng từ thương vụ chuyển giao công nghệ của DHG

26-03-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Cả nước hiện chỉ có 18 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế PIC/S-GMP, EU-GMP, Japan-GMP, trong đó Dược Hậu Giang chiếm đến 2 dây chuyền.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tính đến ngày 14/3/2019, cả nước hiện có 222 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, song chỉ có 18 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế PIC/S-GMP, EU-GMP, Japan-GMP. Trong đó, Công ty CP Dược Hậu Giang chiếm đến 2 dây chuyền đạt chuẩn PIC/S-GMP và Japan-GMP. 

Đại diện Dược Hậu Giang cho biết, PIC/S-GMP được cấp cho dây chuyền sản xuất thuốc bột sủi bọt và Japan-GMP được công nhận cho dây chuyền viên nén. Nhờ tiềm lực cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhân sự tay nghề cao và sự hỗ trợ từ đối tác ngoại Taisho, doanh nghiệp chỉ mất 2 năm để được cấp các chứng nhận này.

Không lâu nữa, sản phẩm Dược Hậu Giang sẽ có mặt tại Nhật Bản – quốc gia tiêu thụ thuốc nhiều thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) và phủ sóng khắp Đông Nam Á. Sắp tới, Dược Hậu Giang sẽ tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác Taisho (Nhật Bản) nhằm nâng cấp hàng loạt dây chuyền còn lại lên chuẩn quốc tế và thuận lợi vươn ra toàn cầu.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào trong lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ được Dược Hậu Giang triển khai mạnh mẽ từ năm 2016. Trước đây, công ty có nhiều tập đoàn nước ngoài đến thương lượng hợp tác. Nhưng phải đến tháng 5/2016, Dược Hậu Giang mới đặt bút ký biên bản hợp tác chính thức với Taisho - nhà sản xuất dược nằm trong Top 5 Nhật Bản sau những cam kết rõ ràng.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác kinh doanh thông qua việc chuyển giao công nghệ sản phẩm của Taisho hoặc của đối tác để sản xuất tại nhà máy Dược Hậu Giang. Tiếp đến, hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Dược Hậu Giang đến các thị trường trong khối ASEAN, thị trường sẵn có của Taisho. Ngược lại, Dược Hậu Giang cũng nhập khẩu các sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh của đối tác để kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo Tạp chí Khoa học, nghiên cứu và sản xuất ra một loại thuốc mới mất khoảng 13-15 năm và chi phí lên đến 2-3 tỷ USD. Việc tận dụng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản phẩm của Taisho sẽ giúp Dược Hậu Giang “đi tắt đón đầu” tại thị trường trong nước và tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. 

Theo cam kết hội nhập của WTO, để “mở đường” cho đối tác ngoại, Dược Hậu Giang sẽ chỉ phân phối các sản phẩm do chính mình sản xuất và sản phẩm của Taisho. Có thể hiểu đây là cái giá phải trả cho việc thương vụ hợp tác xuyên quốc gia, song giới đầu tư đánh giá, đây là thương vụ đầu tư siêu lời, về lâu dài lợi ích mà Dược Hậu Giang nhận được lớn hơn rất nhiều.

Sau hàng loạt thương vụ chuyển giao thành công hàng loạt công nghệ tiên tiến, có thể thấy, Dược Hậu Giang đang có tham vọng lớn trong việc củng cố vị thế cánh chim đầu đàn trong mảng tân dược cũng như vai trò người tiên phong mang thuốc Việt ra biển lớn.

Thương hiệu Dược Hậu Giang được Forbes Việt Nam định giá gần 60 triệu USD. Doanh nghiệp 5 năm liền nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam của Forbes (2013- 2018).

Với cương vị người dẫn đầu, doanh nghiệp hiện sở hữu danh mục đạ dạng hơn 300 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia.

Việc chọn Taisho làm đối tác chiến lược không chỉ củng cố vị thế doanh nghiệp dược nội lớn nhất Việt Nam của Dược Hậu Giang, mà thông qua đó, người tiêu dùng còn có cơ hội sử dụng thuốc chất lượng vượt trội với giá hợp lý. Hiện, chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người của Việt Nam còn ở mức thấp (chiến 1,9%), chủ yếu do mức giá thuốc nhập khẩu tương đối cao.

A.D

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên