MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá tăng nhưng không phá ngưỡng 23.000 đồng/USD

08-06-2018 - 09:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm VND/USD. Nguyên nhân là đồng USD mạnh lên. Trước biến động từ lạm phát và thị trường thế giới, tỷ giá vẫn tiềm ẩn nhiều áp lực tăng từ nay đến cuối năm.

Tỷ giá trung tâm đã liên tục được điều chỉnh tăng kể từ đầu năm 2018 đến nay, từ mức 22.415 VND/USD vào ngày 31/12/2017 lên mức 22.605 VND/USD vào ngày 29/05/2018 vừa qua (tương đương mức tăng 0,8%).

Nguyên nhân là đồng USD mạnh lên trên thị trường thế giới trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của FED. Tuy nhiên, mức tăng của tỷ giá trung tâm trong nước (0,8%) thấp hơn hẳn so với mức tăng của USD (2,6%) trên thị trường thế giới. Dẫu vậy, động thái liên tục tăng tỷ giá trung tâm (thêm 50 đồng trong tháng 5) của nhà điều hành, lập tức gây quan ngại có áp lực tăng giá của USD.

Trong một nhận định về tỷ giá đầu tháng 6/2018, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt BVSC chỉ ra: So với thời điểm đầu năm. Chỉ số của đồng USD hiện đã tăng 2,6%. Việc tăng tỷ giá trung tâm của NHNN thời gian qua  là hợp lý khi thuận theo xu hướng khách quan của thế giới. “Ở một góc độ khác, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam thời gian qua chủ yếu qua các giao dịch khớp lệnh. Còn nếu tính cả giao dịch thỏa thuận thì dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào thị trường cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt 1,5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay”, BVSC nhấn mạnh.

Cùng với đó, BVSC cho biết, việc chủ động giảm giá VND của NHNN nhằm góp phần đảm bảo lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Mức tăng của tỷ giá như trên dù liên tục nhưng biên độ còn khá nhỏ (dưới 1%) nên chưa ảnh hưởng nhiều tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay.

BVSC cho biết, chưa nhìn thấy nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong thời gian còn lại của năm 2018.

Trước việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh (tháng 5 vừa qua tăng tới 0,55%), chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực lưu ý tỷ giá sẽ tăng nhưng cũng không quá lo ngại. Nhắc tới lạm phát, một nhân tố có thể tác động lên tỷ giá, ông Lực cho rằng, muốn giữ được mức lạm phát 4% trong năm nay chúng ta sẽ phải rất quyết liệt, như tiến độ tăng giá một số mặt hàng phải xem xét để có lộ trình phù hợp, phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, giá cả để đảm bảo CPI không tăng nhanh và bùng phát vào những thời điểm như cuối năm.

Không thể phá vỡ ngưỡng 23.000/USD

Tỷ giá trung tâm ngày 6/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.567 đồng, giảm 4 đồng so với mức công bố hôm trước. Trong khi đó, giá USD tại một số ngân hàng thương mại sáng 6/6 cũng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, Vietcombank niêm yết USD ở mức 22.775-22.845 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua, bán so với phiên trước đó. Thị trường tự do USD tự do niêm yết ở mức mua vào là 22.860 đồng/USD và bán ra ở mức 22.875 đồng/USD, giảm 10 đồng chiều mua và giảm 15 đồng chiều bán so với chốt phiên 5/6.

Theo ông Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính), xu hướng tăng tỷ giá đã hình thành trong nhiều ngày qua. “Mức tăng mạnh trong ngày 29/5 được các chuyên gia phân tích có thể một phần do những lo ngại về lạm phát sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu mới. Rất khó để dự báo về xu hướng tăng/giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, cho dù đồng USD trên thị trường thế giới có biến động thế nào, thì với tình hình cung cầu ngoại tệ và dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN sẽ không để tỷ giá tăng mạnh. “Ngưỡng 23.000 đồng đổi 1 USD nhiều khả năng sẽ chưa bị phá vỡ trong khoảng từ nay đến cuối năm 2018”, ông Độ dự báo.

Trò chuyện với PV Tiền Phong, một cán bộ ngân hàng cho rằng, nếu cứ nhìn vào dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam từ đầu năm tới nay, đặc biệt là dòng vốn ngắn hạn qua thị trường chứng khoán sẽ thấy mừng. Hàng tỷ USD là nguồn vốn đầu tư hấp dẫn và hỗ trợ đáng kể nền kinh tế, không kể những khoản tiền ngoại lớn mua Sabeco. Tuy nhiên, theo cán bộ ngân hàng này cũng cho rằng, NHNN phải luôn đề phòng và có những công cụ điều hành cân đối để giữ yên tỷ giá.


"Nếu chỉ xét trên khía cạnh cung-cầu USD, thì không có nhiều áp lực khiến tỷ giá phải tăng mạnh. Cán cân thương mại của nền kinh tế đang thặng dư, còn NHNN vẫn đang mua ròng USD để tăng dự trữ ngoại hối. Điều này cho thấy, nguồn cung USD vẫn dồi dào, mặc dù sự sụt giảm của giá cổ phiếu thời gian qua có thể có ảnh hưởng nhất định đến kỳ vọng của thị trường về dòng vốn ngoại ra/vào Việt Nam trong thời gian tới".

TS. Nguyễn Đức Độ


Theo Khánh Huyền

Tiền phong

Trở lên trên