MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ðưa hoạt động quảng cáo, biển hiệu ngoài trời vào nền nếp

09-05-2017 - 17:42 PM | Doanh nghiệp

Những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội diễn ra hết sức phức tạp. Trong một tháng qua, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra bảng quảng cáo, biển hiệu cỡ lớn sai phạm tại mặt tiền, mặt bên các tòa nhà để xử lý. Với cách làm này, hoạt động quảng cáo, hệ thống biển hiệu, nhất là tại khu vực nội thành từng bước đi vào nền nếp.

Những sai phạm về hoạt động quảng cáo, biển hiệu ngoài trời tồn tại dày đặc, chồng chéo như "ma trận". Từ các tuyến đường chính vào nội đô, cho đến các tuyến phố chính, rồi đến các ngõ nhỏ đều tràn lan vi phạm, với nhiều loại hình khác nhau. Trước thực tế này, thành phố đã "bóc tách" từng loại sai phạm và xử lý theo từng phần.

Tính đến giữa năm 2016, trên địa bàn thành phố có đến 190 bảng quảng cáo tấm lớn (hơn 40 m2) có sai phạm, tưởng như không thể chấm dứt được, nhưng với biện pháp phân loại kể trên, lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm sai phạm đối với biển quảng cáo tấm lớn đứng độc lập và biển quảng cáo sai phạm nằm trên dải phân cách. Tháng 3-2017, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Thực hiện chỉ đạo này, Sở Văn hóa và Thể thao đã thành lập Tổ công tác kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, biển hiệu ngoài trời. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ kiểm tra, xử lý bảng quảng cáo, biển hiệu quá khổ tại mặt tiền, mặt bên của các công trình, nhà ở, cơ sở kinh doanh.

Nếu bảng quảng cáo tấm lớn đứng độc lập chủ yếu nằm ở các trục đường từ ngoại thành vào trung tâm thành phố thì sai phạm của bảng quảng cáo, biển hiệu khổ lớn tràn lan ở rất nhiều tuyến phố. Thí dụ như nhà số 9 phố Nguyễn Thái Học (quận Hoàn Kiếm) từ tầng một đến tầng năm phủ kín mít biển quảng cáo của các nhãn hiệu điện tử nước ngoài, trên nóc ngôi nhà cũng chạy quảng cáo đèn led; tại nhà số 3 phố Lê Thái Tổ, hàng loạt biển quảng cáo có nội dung hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài...

Thuộc diện khủng phải tính đến biển quảng cáo thẩm mỹ, nha khoa Hàn Quốc tại lô 2.6 đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), với hai bảng quảng cáo có diện tích lên đến 136 m2. Các quận Ba Ðình, Ðống Ða... đều có những biển quảng cáo "khủng" tương tự nhưng nếu so với biển quảng cáo vi phạm tại quận Bắc Từ Liêm, thì vẫn thua xa. Tại phường Minh Khai, điện máy Trần Anh có tấm biển quảng cáo rộng tới... 326 m2. Ðây chính là biển quảng cáo sai phạm lớn nhất trên địa bàn.

Ðối với hệ thống biển hiệu, doanh nghiệp điện tử có rất nhiều sai phạm. "Nổi bật" nhất là hệ thống biển hiệu của các doanh nghiệp như Thế giới di động, Mediamart... Trong đó, Thế giới di động vi phạm ở hầu hết điểm kinh doanh, với các biển hiệu rộng hàng trăm m2. Ngoài kích cỡ, nhiều biển quảng cáo còn sai phạm về nội dung, nhiều biển quảng cáo đã bóc phần quảng cáo, để trơ khung trông phản cảm hoặc sử dụng vật liệu dễ cháy nổ, gây mất an toàn cho người dân sống chung quanh...

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 vừa qua, ngành văn hóa thành phố đã kiểm tra các sai phạm tại 12 quận nội thành và huyện Thanh Trì. Tổ kiểm tra đã nhắc nhở những đơn vị có nhiều bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm như: Thế giới di động, FPT Shop, Siêu thị điện máy HC, Siêu thị điện máy - máy tính Trần Anh, Kangaroo, Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2... chủ động điều chỉnh kích thước bảng quảng cáo, biển hiệu. Nếu không tự giác chấp hành, lực lượng chức năng sẽ xử lý theo quy định.

Tính đến cuối tháng 4, nhiều cửa hàng, trong đó có chuỗi cửa hàng Thế giới di động ở phố Quang Trung (quận Hà Ðông); các phố Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Ðông Các, Lê Duẩn (quận Ðống Ða); Kim Mã (quận Ba Ðình); Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy)... đã tự động tháo dỡ một phần sai phạm. Các quận Ba Ðình, Cầu Giấy, Ðống Ða, Hoàng Mai... tiếp tục tuyên truyền, tháo dỡ bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm; vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm...

Mặc dù đã có những thành công nhất định trong lập lại trật tự hoạt động quảng cáo, biển hiệu ngoài trời từ năm 2016 nhưng thách thức đối với việc chấn chỉnh bảng quảng cáo, biển hiệu tại mặt tiền, mặt bên các tòa nhà là rất lớn. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Ðộng cho biết: "Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời đã có từ đầu năm 2016 nhưng nhiều quận, huyện vẫn chưa vào cuộc quyết liệt, chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao dẫn tới những sai phạm; sai phạm này chưa được xử lý lại xảy ra sai phạm khác.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý còn lúng túng, đùn đẩy". Muốn hoạt động quảng cáo, biển hiệu ngoài trời đi vào nền nếp, cần sự phối hợp tích cực hơn của các ngành. Chẳng hạn như hiện tại, ngành văn hóa chỉ có chức năng xử lý sai phạm về mặt nội dung của bảng quảng cáo, biển hiệu. Còn xử lý tháo dỡ lại thuộc thẩm quyền của ngành xây dựng, phòng quản lý đô thị của các quận, huyện, thị xã. Theo quy định của Luật Quảng cáo có hiệu lực từ năm 2013, các quận, huyện phải thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng cho bảng quảng cáo, biển hiệu trên mặt tiền, bên hông các công trình có diện tích lớn hơn 20m2; nhưng cả 12 quận nội thành và huyện Thanh Trì, chưa có đơn vị nào "nhúc nhích".

Ðại diện Thanh tra xây dựng, Phòng Quản lý đô thị các địa phương cho rằng sự chậm trễ này là do ... chưa có hướng dẫn cụ thể, cho nên các địa phương chưa thực hiện việc cấp phép. Bởi vậy, qua đợt kiểm tra này, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND TP Hà Nội sẽ có văn bản giao rõ trách nhiệm cho từng ngành liên quan, trong đó ngành xây dựng sớm cấp phép theo thẩm quyền, hướng dẫn kiểm tra việc cấp phép xây dựng công trình quảng cáo của các quận, huyện theo phân cấp; chỉ đạo các ngành và chính quyền cơ sở có sự thống nhất ngay từ khâu cấp phép, cho đến công tác quản lý.

Theo Giang Nam

Báo Nhân dân

Trở lên trên