MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Unilever, Masan Consumer và Vinamilk: Top 3 ông hoàng quảng cáo 6 năm liền

23-05-2018 - 17:25 PM | Doanh nghiệp

Unilever, Masan Consumer và Vinamilk tiếp tục là 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị (với 4 thành phố gồm Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam trong suốt 6 năm qua.

Báo cáo thường niên Brand Footprint năm thứ 6 do Kantar Worldpanel thực hiện vừa công bố hôm 22/5 cho thấy, top 5 nhà sản xuất được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất vẫn giữ nguyên so với kết quả năm trước.

Cụ thể, Unilever, Masan Consumer và Vinamilk  tiếp tục là 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị (với 4 thành phố gồm Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam trong suốt 6 năm qua. Trong đó, Masan Consumer và Vinamilk dẫn đầu trong ngành thực phẩm còn Unilever tiếp tục duy trì vị thế trong ngành hàng phi thực phẩm. Các "ông lớn" này tạo dựng vị trí cho các thương hiệu của mình trong tâm trí người tiêu dùng thông qua rất nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá nhắm đến nhiều đối tượng, phân khúc tiêu dùng khác nhau.

Được biết, năm 2017 CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) đã chi tổng cộng 9.664 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mại, tăng 7% so với năm trước đó. Tính trung bình, Vinamilk đã chi khoảng 26,5 tỷ đồng mỗi ngày cho chi phí quảng cáo và hoa hồng khuyến mại.

Hay theo số liệu thuyết minh mới nhất từ Masan Consumer (MCH), năm 2016, công ty chi 1.651 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng 14% so với năm trước đó. Trung bình, Masan Consumer cũng chi tới 4,6 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo.

Trở lại với báo cáo của Kantar Worldpanel, Top 10 nhà sản xuất có sản phẩm được chọn mua nhiều nhất trong năm 2017 theo từng khu vực còn có những cái tên như Nestlé, Acecook, Ajinomoto, P&G, FrieslandCampina (thành thị), Vinasoy, Asia Foods (nông thôn)…

Theo Kantar Wolldpanel, công thức chung giúp các nhà sản xuất này duy trì số lượng người tiêu dùng chọn mua các thương hiệu của họ là nhờ danh mục sản phẩm đa dạng, mạng lưới phân phối rộng khắp, chiến lược định giá hợp lý, cải tiến liên tục và kết hợp với các hoạt động truyền thông.

Ngoài những cải tiến trong khâu sản xuất, phân phối, các doanh nghiệp kể trên đã đầu tư mạnh cho các chiến dịch quảng bá, tiếp thị và quảng cáo trên truyền hình.

Được biết, bảng xếp hạng Brand Footprint được thiết lập dựa trên thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thực tế với thước đo là CRPs (đo lường số hộ gia đình trên thế giới chọn mua sản phẩm của một thương hiệu, tức tỷ lệ hộ mua và mức độ thường xuyên mua- tần suất mua).

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên