MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uống sữa bị tiêu chảy, ăn hải sản buồn nôn, khó thở: Đừng vội vàng kiêng ngay, thiệt uổng!

15-06-2017 - 08:53 AM | Sống

Nhiều người bị ngộ độc histamin, lại tưởng mình bị dị ứng hải sản, nên kiêng cua sò ốc hến… suốt đời. Thiệt uổng!

Hỏi: Thưa ông, tôi ăn uống kém, nhất là vào mùa hè nóng nực như bây giờ. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn uống 1 ly sữa để bù đắp chất dinh dưỡng cho cơ thể mà cứ uống sữa vào là đau bụng, tiêu chảy. Có phải tôi bị dị ứng với sữa không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi đoán 99% là do cơ thể bạn không thể dung nạp (intolerance) được sữa, chứ không phải là do dị ứng.

Hỏi: Cơ thể không dung nạp được sữa nghĩa là sao? Có phải có chất gì trong sữa mà cơ thể không thể tiêu hoá được phải không ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bất dung nạp là do hệ tiêu hóa của bạn không ưng chất nào đó có trong thực phẩm , không chịu tiêu hóa chúng, rồi gây khó chịu, đau bụng, tiêu chảy… Trong sữa có nhiều đường lactose. Trong ruột của bạn lại thiếu, tôi nói thiếu chứ không phải là không có, một loại men chuyên tiêu hóa đường lactose, có tên gọi là men lactase.

Thiếu men tiêu hóa lactase thì vi khuẩn trong ruột sẽ làm thay, bằng cách lên men đường lactose. Phản ứng sinh khí gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.

Hỏi: Nhưng hồi nhỏ tôi vẫn uống sữa, điều đó có nghĩa là cơ thể tôi vẫn dung nạp được sữa đúng không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Hồi nhỏ bạn uống sữa được là do ruột có nhiều men lactase, nhưng men lactase giảm dần theo tuổi tác, nên đa số người lớn thường không chịu được sữa, uống vào là bị tiêu chảy. Nhưng chịu được (sữa) hay không chịu được, chịu được ít hay chịu được nhiều cũng tùy người là do ruột của họ còn nhiều hay ít men lactase.

Hỏi: Tôi vẫn chưa hiểu, nếu không dung nạp được sữa, thì làm sao tôi ăn được sữa chua? Đằng này mỗi ngày tôi vẫn ăn tới 2 – 3 hộp sữa chua có làm sao đâu.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Vì trong quá trình lên men sữa để làm sữa chua, đường lactose đã bị chặt làm hai, rồi lên men thành acid lactic, nên bạn ăn sữa chua vô tư là thế.

Hỏi: Bất dung nạp, nghĩa là tôi phải kiêng món sữa suốt đời? Lúc ốm đau muốn bồi dưỡng chút đỉnh cũng phải trừ sữa ra phải không ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Triệu chứng bất dung nạp lactose của sữa thường không nghiêm trọng, tiêu chảy một chút là xong.

Nhiều người còn bất dung nạp với nhiều loại thực phẩm khác chứ không chỉ có sữa, chẳng hạn các amin trong pho mát, chất caffeine có trong cà phê, trà, chocolate... Có người còn bất dung nạp với salicylates, chất này lại có nhiều trong trái cây họ chanh, như cam,quýt, chanh, quất…

Còn vì sao có người bất dung nạp thứ này, còn người khác lại không thì tôi không biết. Chắc tại…Trời!

Nhưng bất dung nạp thứ nào đó thì có thể nói chuyện phải quấy với cơ thể được, nghĩa là kiên nhẫn từ từ, ăn chút một, rồi tăng dần.

Sữa là nguồn protein, vitamin, khoáng chất, nhất là calci. Kiêng kỹ quá cũng uổng. Có thể uống sữa một chút, và uống thành nhiều lần trong ngày.

Hỏi: Ban nãy ông nói, 99% tôi không uống sữa được là do cơ thể không dung nạp được sữa, Vậy 1% còn lại là gì?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Là do dị ứng sữa… Dị ứng thực phẩm là do hệ miễn nhiễm của cơ thể phản ứng với một loại protein nào đó có trong thực phẩm.

Bất cứ protein nào xâm nhập vào cơ thể (do ăn uống, hít thở, chích,…) cũng đều bị hệ miễn nhiễm chặn lại. Nếu là protein hiền thì nó cho qua, còn protein dữ thì bị vô hiệu hóa.

Nhưng đôi khi hệ miễn nhiễm làm ăn loạng quạng, gặp protein hiền lành cũng "bụp" luôn. Lần đầu gặp mặt, hệ miễn nhiễm cho qua, nhưng điểm mặt protein bằng cách tạo ra kháng thể chạy lòng vòng trong máu.

Vì thế ăn lần đầu thực phẩm đó thì không sao cả. Nhưng lần sau, protein đó vừa chui vào là kháng thể nhận ra ngay và kích thích cơ thể phóng thích ra histamin và nhiều thứ khác gây ra viêm và những triệu chứng khó chịu như nổi mề đay, mẩn đỏ, khó thở,…

Nếu bạn bị dị ứng với sữa, thì có nghĩa là hệ miễn nhiễm của bạn không ưa một loại protein nào đó của sữa, nên nó tẩy chay ngay lập tức. Uống ít hay uống nhiều sữa đều bị phản ứng ngay.

Hỏi: Người lớn dị ứng sữa thì cũng được… thôi, nhưng với trẻ con, sữa cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng, nếu dị ứng sữa thì cũng phiền. Liệu chúng có thể bị dị ứng sữa không thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có chứ. Ở Mỹ có khoảng 2-8% trẻ em bị dị ứng với protein trong sữa bò, và khoảng 0,8% ở sữa đậu nành.

Hỏi: Tôi thấy bọn con nít vẫn bú sữa mẹ mà, có đứa nào chê đâu?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: À, với sữa mẹ thì tụi nhóc khôn dàn trời, không bao giờ chúng dị ứng với sữa mẹ cả. Trừ những đứa khó tính, không ưng mẹ nó ăn thứ này thứ nọ, rồi làm mình làm mẩy (bị dị ứng) cho đến khi mẹ nó ngưng ăn thứ mà nó… cấm. Tụi "khó nết" này chiếm khoảng 0,5%.

Hỏi: Bất dung nạp thực phẩm thì ăn từ từ vào để "nói chuyện phải quấy" với cơ thể, còn dị ứng sữa có nên làm thế không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bất dung nạp là do hệ tiêu hóa, còn dị ứng là do hệ miễn nhiễm không ưa một loại protein nào đó có trong thực phẩm. Mà đụng tới hệ miễn nhiễm thì coi như mắc phải lời nguyền, không chữa được, và phải kiêng suốt đời thực phẩm đó.

Hỏi: Những thực phẩm nào hay gây dị ứng, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có cả trăm ngàn loại protein khác nhau, nên dị ứng đủ kiểu. Hễ đồ ăn nào có protein là có nguy cơ bị dị ứng, nếu bị hệ miễn nhiễm điểm mặt. Tùy cơ địa mỗi người, có người dị ứng với protein trong trứng gà, thịt bò, thịt heo, tôm cua cá mực, đậu phộng, đậu nành, bia bọt…. Nhưng rất ít người bị dị ứng với sữa, họ bị bất dung nạp sữa nhiều hơn.

Trẻ em có thể dị ứng với một số thực phẩm như lòng trắng trứng, sữa bò, đậu phộng, hạt dẻ, bột mì, đậu nành (chủ yếu ở em bé). Nhưng khi lớn, chúng có thể sẽ hết dị ứng với trứng, sữa bò, đậu nành, nhưng với đậu phộng thì khó thoát. Còn người lớn dị ứng với một loại thực phẩm nào đó coi như vô phương.

Hỏi: Tôi bị dị ứng với đồ biển, ăn vào là nổi mề đay, mẩn ngứa, nhưng có khi thèm quá tôi ăn đại mà không thấy bị sao. Có phải như thế là cơ thể tôi đã biết "phải quấy" với hải sản không, hay là sao hả ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thèm quá, ăn đại mà không bị sao thì chắc chắn không phải do dị ứng hải sản rồi. Xin chúc mừng bạn. Những lần trước bạn ăn ngao sò ốc hến,… mà bị hành là do ngộ độc thực phẩm, chứ không phải là do cơ thể bạn không chịu dung nạp hải sản để mà nói chuyện phải quấy.

Hỏi: Ngộ độc thực phẩm? Tôi có đau bụng tiêu chảy đâu mà ngộ độc thực phẩm.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bạn bị ngộ độc histamin có trong hải sản.

Thực ra hải sản tươi không có histamin. Nhưng sau đánh bắt, thì một loại acid amin trong hải sản có tên là histidine sẽ từ từ bị chuyển hóa thành histamin dưới tác động của enzyme do vi khuẩn sinh ra.

Do đó, nếu hải sản, nhất là các loại cá ngừ, cá thu, cua ghẹ,… không được bảo quản tốt, histamin sẽ phát sinh ra nhiều thì bị ngộ độc. Gọi là ngộ độc là vì ăn thực phẩm chứa nhiều histamin. Người dù không bị dị ứng với hải sản, nhưng ăn vào có thể bị ngộ độc histamin, nếu hải sản không được bảo quản tốt.

Ngộ độc histamin thường gây mẩn ngứa, nổi mề đay, buồn nôn, khó thở,…, nhưng đôi khi kèm theo đau bụng tiêu chảy, nhất là hải sản nhiễm cả vi khuẩn gây bệnh.

Còn dị ứng là do ăn cá thu, cá ngừ, cua ghẹ…, thì protein trong mấy thứ này kích thích hệ miễn dịch cơ thể tạo ra histamin.

Nguồn gốc phát sinh histamin do ngộ độc và dị ứng khác nhau. Ngộ độc là do hải sản có histamin. Còn dị ứng là do cơ thể tạo ra histamin vì không ưa hải sản. Tuy nhiên triệu chứng ngộ độc histamin rất giống với dị ứng do hải sản gây ra, rất khó phân biệt. Do đó nhiều người bị ngộ độc histamin, lại tưởng mình bị dị ứng hải sản, nên kiêng cua sò ốc hến,… suốt đời. Thiệt uổng!

Hỏi: Dị ứng thực phẩm có nguy hiểm không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Triệu chứng do dị ứng thực phẩm thường xảy ra ở da như bị mẩn đỏ, mề đay, ngứa ngáy… Cũng bao gồm cả đường ruột, đau bụng, ói mửa tiêu chảy, và khó thở… Nhiều triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc, trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể gây tử vong, nhất là với những người bị suyễn.

Ở nước ngoài, nếu thực phẩm có chứa những thành phần gây dị ứng như đậu phộng, sulfite, gluten…thì phải ghi nhãn cảnh báo, để người nào bị dị ứng với thành phần đó, biết mà tránh đi. Luật ghi nhãn cảnh báo dị ứng được áp dụng rất nghiêm ngặt. Tôi đọc thường xuyên bản tin của FDA (Mỹ), thấy tuần nào cũng ít nhất vài nhãn hiệu sản phẩm bị buộc thu hồi vì không ghi nhãn cảnh báo chất gây dị ứng có trong sản phẩm.

Ở Việt Nam, tôi không thấy yêu cầu ghi nhãn cảnh báo này.

Hỏi: Nếu bị dị ứng thực phẩm thì phải làm sao? Có thuốc nào chữa dị ứng được không thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không có thuốc chuyên trị và cũng chẳng có cách nào hóa giải lời nguyền cả, tức là không thể có trường hợp một người từ dị ứng với đậu phộng rồi trở thành ăn đậu phộng vô tư được. Chỉ có thuốc làm giảm triệu chứng mà thôi.

Tốt nhất là tránh ăn thực phẩm mà mình bị dị ứng. Nếu triệu chứng nặng (khó thở, tụt huyết áp , mạch nhanh…) thì nên đi bệnh viện ngay.

Hỏi: Nếu ăn một loại thực phẩm nào đó, rồi bị khó thở tiêu chảy, vã mồ hôi…, có cách nào biết được là do bị dị ứng hay là cơ thể không dung nạp thực phẩm không? Tôi hỏi vậy để biết đường "cai" hẳn hoặc "nói chuyện phải quấy" với cơ thể.

Triệu chứng do dị ứng và bất dung nạp khá giống nhau, nên rất khó phân biệt. Để biết bị dị ứng hay bất dung nạp với thực phẩm nào đó chỉ có nước đến gặp bác sĩ.

Với dị ứng có thể test trên da, hay thử máu để đo lượng kháng thể, nhưng với bất dung nạp thì phức tạp hơn. Một bữa ăn có nhiều món, làm sao biết được chính xác cơ thể mình không chịu dung nạp món nào. Do đó phải dùng đến phương pháp loại trừ, có khi kéo dài cả vài tháng mới xác định được.

Những người xui xẻo bị bất dung nạp thực phẩm, đành phải kiên nhẫn để tìm ra thủ phạm, chứ "giết nhầm", rồi kiêng luôn món đó thì coi như lãng phí cả đời.

Hỏi: Thưa ông, nếu chỉ dùng 2 câu để phân biệt giữa bất dung nạp thực phẩm và dị ứng thực phẩm thì ông nói gì?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bất dung nạp một loại thực phẩm nào đó là do hệ tiêu hóa không chịu "tiêu thụ" đồ ăn đó, nhưng có thể tập tành, ăn chút chút được.

Nhưng với dị ứng là do hệ miễn nhiễm phản ứng với protein của thức ăn đó, và phản ứng rất nhanh, dù chỉ ăn một chút thức ăn đó thôi. Trường hợp nặng có thể gây tử vong. Dị ứng không thể chữa trị được, và phải tránh thức ăn đó suốt đời.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bích Hiền

Trí thức trẻ

Trở lên trên