MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uỷ ban Đối ngoại: Việt Nam có khả năng tăng thêm 2,01% GDP tính đến năm 2035 nhờ Hiệp định CPTPP

Đây là mức tăng cao nhất trong trường hợp cắt giảm thuế quan và tự do hoá dịch vụ. Nếu điều này không xảy ra, mức tăng thêm GDP tính đến 2035 có thể là 1,32%.

Uỷ ban Đối ngoại: Việt Nam có khả năng tăng thêm 2,01% GDP tính đến năm 2035 nhờ Hiệp định CPTPP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm của Uỷ ban Đối ngoại đã thay mặt Uỷ ban trình bày Báo cáo Thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Theo Uỷ ban, hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm, đã xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.

Do vậy, Uỷ ban cho rằng việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

"Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%", Uỷ ban Đối ngoại nhận định.

Cụ thể, với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035. Tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

Mặt khác, Uỷ ban cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương. Đây sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tuy nhiên, Uỷ ban cho biết cũng còn một số băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Nghĩa là Hiệp định dù mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời bao gồm cả thách thức.

Do vậy, Uỷ ban nhấn mạnh Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế -xã hội của đất nước do vậy Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan và đề nghị Chính phủ.

Tuy nhiên, Uỷ ban cũng lưu ý việc tiếp tục có những nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động xung quanh Hiệp định trên tất cả các lĩnh vực cũng như kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.

Cụ thể, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất của Chính phủ về khả năng ban hành một luật để sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm…

Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng cho rằng cần xác định thời gian nộp lưu chiểu sau khi hoàn thành bộ Hồ sơ; thông báo hiệu lực đảm bảo không gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội do xung đột các quy định pháp luật.


N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên