MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Có thể nâng cấp SCIC lên thành siêu Ủy ban

Phó chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách kỳ vọng các doanh nghiệp nhà nước nếu hoạt động hiệu quả sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 17% – 20%.

Trao đổi với báo điện tử Trí thức trẻ, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng chủ trương thành lập Ủy ban chủ sở hữu vốn Nhà nước là thực hiện theo Nghị quyết của Đảng.

Do đó tên gọi là Ủy ban chỉ là một cách gọi, mà vấn đề là nội hàm của Ủy ban đó như thế nào mới là quan trọng, nhằm để thống nhất trong quản lý và thực hiện được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt ra, đó là tách quyền quản lý với quyền sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, hiện nay vốn Nhà nước nằm rải rác tại các DN có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu ta so sánh với các thành phần kinh tế khác, có chỉ số quan trọng là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thông thường nếu quản lý tốt thì tỷ lệ này là 17% – 20%.

"Việc thành lập được cơ quan này, để nhằm mục tiêu là làm sao sử dụng có hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vón Nhà nước. Giả sử như nếu nhân 1,3 triệu tỷ đồng với 17% thì ta có mỗi năm chúng ta có 200 nghìn tỷ lợi nhuận từ các DN" - ông Quang nói.

Thưa ông, nhiều chuyên gia lo ngại nếu thành lập một Ủy ban thì đây vẫn là mô hình của một cơ quan quản lý nhà nước, nên sẽ khó đạt được mục tiêu tách quản lý Nhà nước ra khỏi quản lý vốn chủ sở hữu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đó chỉ là tên gọi thôi, dù là Ủy ban hay Tổng công ty thì phải thực hiện được mục tiêu chức năng trên. Có nghĩa là tách chức năng quản lý của các bộ ra khỏi chức năng chủ sở hữu. Tôi chưa tiếp cận cụ thể Dự thảo nhưng chủ trương và định hướng, nên trong lộ trình thực hiện phải đạt được mục tiêu này.

Có quan điểm cho rằng nên đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn DNNN hơn là thành lập Ủy ban. Bởi nếu cổ phần hóa theo nguyên tắc thì DN sẽ đưa về SCIC và như vậy Ủy ban có thể sẽ là không phát huy được vai trò của mình?

SCIC đã được thành lập nhưng chỉ quản lý khoảng 7-10% vốn nhà nước tại DN. Thậm chí đã có nhiều tập đoàn tổng công ty đã cổ phần hóa, nhưng mà chưa chuyển giao về cho SCIC. Tài sản Nhà nước tại DN mà SCIC quản lý chỉ khoảng 70.000 tỷ thôi, chứ SCIC chưa bao quát vốn nhà nước tại DN.

Vậy theo ông tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước có bị ảnh hưởng khi đưa về quản lý tại Ủy ban này?

Nếu đưa vào cơ quan quản lý tập trung này thì chức năng là không những để tối ưu hóa lợi nhuận thông qua đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất, mà sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, để những ngành nghề, lĩnh vực nào mà Nhà nước không cần kinh doanh thì thoái vốn.

Chức năng và cơ quan ủy ban này thực hiện sẽ không phải là quản lý cho tốt số tiền này, mà là phải giảm 1,3 triệu tỷ xuống càng nhỏ càng tốt, theo chủ trương thoái vốn, cổ phần hóa, để DNNN phải nhỏ đi và càng nhỏ đi thì quy mô càng có hiệu quả.

Nếu vậy đề xuất nâng cấp SCIC và tách biệt độc lập với Bộ Tài chính, nâng lên và đảm nhiệm vai trò mà Ủy ban này đưa ra, liệu có khả thi hay không?

Tôi cho rằng khả thi. Có thể chức năng như là SCIC, để làm sao quản lý vốn Nhà nước tại DN hiệu quả. Có thể không gọi là SCIC nhưng quy mô rộng hơn và lớn hơn. Hiện nhiều DN cổ phần hóa xong không chuyển giao về SCIC nên mục tiêu của SCIC là không đạt được, và hiện quy mô của SCIC là quá bé so với tổng tài sản nhà nước tại DN.

Mục tiêu chúng ta là khi gom, đưa tất cả tài sản ấy về một cơ quan nào đó, có thể là ủy ban hoặc tổng công ty như SCIC, thì phải đạt mục tiêu là kinh doanh, đầu tư hiệu quả vốn Nhà nước.

Vậy ông sẽ nghiêng về phương án nào, thành lập Ủy ban hay nâng cấp SCIC?

Nghiêng phương án nào cũng khó, bởi SCIC thành lập đến hàng chục năm nay rồi, nhưng tại sao lại không phát triển được? Mô hình nào thì mô hình, nhưng trước hết đó phải là cơ quan quản lý 1,3 triệu tỷ vốn Nhà nước tại DN, thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn, giảm dần vốn với nhiều ngành nghề lĩnh vực theo chủ trương Chính phủ đưa ra.

Trong dự thảo cho biết Ủy ban này trực thuộc Chính phủ, ông có đồng tình quan điểm này?

Đây là tài sản Nhà nước, vốn Nhà nước tại DN, thì đó là tài sản của dân, mà đại diện dân là Quốc hội. Mô hình hay trực thuộc cơ quan nào phải đảm bảo, Nhà nước không tổ chức kinh doanh mà quản lý có hiệu quả. Đồng thời phải có cơ chế, để cho DN có quyền chủ động kinh doanh và kết quả cuối cùng là mang lại hiệu quả hoạt động cao nhất.

Tôi nhấn mạnh rằng, cơ quan này là sẽ không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, không đi chi tiết hoạt động kinh doanh của DN. Tôi quan tâm đến hiệu quả, là giao cho chừng này vốn Nhà nước, hàng năm phải mang lại lãi chừng này, tức là hoạt động như mô hình công ty đại chúng.

Theo các số liệu tài chính mới nhất mà CafeF thu thập được (chưa bao gồm số liệu của Tổng Công ty Sông Đà và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy) thì tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp dự kiến chuyển giao cho Ủy Ban vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng – tức xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP của Việt Nam. Tổng vốn chủ sở hữu vào khoảng 850.000 tỷ đồng ~ 38 tỷ USD.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên