MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn chưa thống nhất về phạm vi nợ xấu cần xử lý

12-06-2017 - 17:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc NHNN mong các đại biểu xem xét thông qua phương án 1 về phạm vi xử lý nợ xấu, tức là cả các khoản nợ trước 31/12/2016 lẫn nợ phát sinh mới.

Hôm nay 12/6, Quốc hội thảo luận vòng 2 về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan. Theo quan điểm của Ủy ban thường vụ, nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể.

Và trong dự thảo mới về Nghị quyết xử lý nợ xấu đã bổ sung 2 phương án về xử lý nợ xấu: Với Phương án 1 là nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này; Phương án 2: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này và có dư nợ tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Tuy nhiên sau báo cáo này, các đại biểu Quốc hội tiếp tục băn khoăn về việc giới hạn thời gian xử lý nợ xấu. Đơn cử theo đại biểu Trần Văn Minh đoàn Quảng Ninh thì phương án 1 áp dụng với mọi khoản nợ xấu cũ và phát sinh mới là quá rộng, làm giảm trách nhiệm của TCTD trong quan hệ tín dụng, đại biểu cho rằng không nên vô tình để nghị quyết này trở thành lá bùa chống lưng cho những sai phạm, hoặc ít nhất là không chịu trách nhiệm ở những TCTD trước đây tiếp tục thua lỗ. Mặt khác, theo đại biểu nghị quyết này là thí điểm, nên việc khoanh lại phạm vi để kiểm nghiệm chính sách mới là phù hợp. Nghị quyết này là đặc thù để giải quyết các khoản nợ xấu đặc thù. Và đại biểu đề nghị phải bỏ phiếu để lựa chọn, và cá nhân đại biểu chọn phương án 2.

Tại phần giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa tha thiết mong các đại biểu xem xét thông qua phương án 1, giống như tại phiên đăng đàn hôm 7/6 vừa qua. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, việc áp dụng với các khoản nợ cũ và nợ phát sinh khi áp dụng nghị quyết là rất cần thiết, vì nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh, song hành cùng hoạt động tín dụng. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3-1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mỗi năm 16% thì dự kiến 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu nợ xấu dưới 3% trong 5 năm tới thì mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ (trong tổng hơn 600 nghìn tỷ). Như vậy nếu chỉ xử lý nợ xấu cũ thì số nợ xấu mới phát sinh sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế.

Hơn nữa, theo Thống đốc, nếu nợ xấu được khoanh đến 31/12 được xử lý theo Nghị quyết mà những khoản nợ tiếp theo được xử lý theo luật hiện hành thì sẽ rất bất cập, vì thế Thống đốc mong đại biểu Quốc hội xem xét.

Phát biểu kết thúc phiên họp hôm nay, liên quan đến 2 phương án về phạm vi xử lý nợ xấu còn đang bất đồng ý kiến, phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ gửi phiếu đến các đại biểu để đại biểu quyết định.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên