MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận động bầu cử thế nào cho đúng luật?

25-04-2016 - 07:34 AM | Xã hội

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vận động bầu cử qua hai hình thức: Tiếp xúc cử tri và qua phương tiện thông tin đại chúng.

Chậm nhất ngày 27-4, danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV sẽ được niêm yết. Sau khi được niêm yết danh sách chính thức, người ứng cử sẽ bắt đầu vận động tranh cử. Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh: “MTTQ Việt Nam các cấp sẽ giám sát việc vận động bầu cử để đảm bảo đúng với các quy định của pháp luật, để không ai lợi dụng bầu cử tuyên truyền trái Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; hoặc dùng tiền bạc vật chất để dụ dỗ hay mua chuộc cử tri. MTTQ các cấp cũng sẽ giám sát để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, không để xảy ra trường hợp bỏ phiếu giùm hoặc bầu cho qua loa, chiếu lệ. Sẽ không có chuyện vì thành tích mà hối thúc cử tri phải bầu cho xong”.

Không tặng quà, hứa hẹn lợi ích vật chất

. Thưa ông, luật quy định các hình thức vận động bầu cử nào?

+ Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND năm 2015 chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và qua phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương nơi ứng cử. Các hình thức vận động bầu cử khác luật không quy định.

. Những hình thức khác mà pháp luật không cấm như dùng Internet, phát tờ rơi, diễn thuyết… thì sao?

+ Các hình thức đó luật không quy định, cũng có nghĩa là luật không cấm. Tuy nhiên, nếu người ứng cử là cán bộ, công chức thì theo quy định, cán bộ, công chức chỉ làm những gì pháp luật quy định, còn người dân mới được phép làm những gì pháp luật không cấm. Luật Bầu cử quy định việc vận động bầu cử phải dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật. Vì thế, nếu trong cùng một đơn vị bầu cử có người là cán bộ, công chức, có người không thì sẽ dẫn đến việc có người được sử dụng hình thức khác, có người lại không được, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong vận động bầu cử. Do đó, theo tôi phải tập trung vào hai hình thức nói trên. Sử dụng hình thức nào cũng cần tính đến hiệu quả thực tế. Quan trọng nhất vẫn là cử tri có biết mình không, có tín nhiệm mình thông qua chương trình hành động của mình hay không.

. Theo kinh nghiệm của ông từ những cuộc bầu cử trước, những vi phạm nào mà người ứng cử thường mắc phải?

+ Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử đã được luật quy định, trong đó có việc “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”. Nếu không chú ý, người ứng cử rất dễ mắc phải điều này.

Thực tế trong một số cuộc bầu cử trước, có một số ứng cử viên khi vận động bầu cử đã tổ chức tặng quà từ thiện cho người nghèo, gia đình chính sách hoặc hứa xây cầu, làm đường cho địa phương. Những điều này nên tránh vì dù với bất cứ lý do hay mục đích gì, nguồn tiền ở đâu thì đó cũng sẽ bị hiểu là sử dụng tiền bạc, vật chất trong vận động bầu cử. Sau khi trúng cử ĐBQH rồi, nếu có điều kiện thì thực hiện những điều này cũng không muộn và sẽ thuyết phục hơn. Mặt khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của người ĐB vẫn là lắng nghe cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử để nói lên tiếng nói của họ đối với các vấn đề dân sinh, những vấn đề hệ trọng của quốc gia để thảo luận quyết định tại nghị trường.

Hiểu tình hình địa phương, hiểu tâm tư dân

. Nhiều người ứng cử thuộc khối các cơ quan trung ương được phân bổ về địa phương, có thể do quá bận rộn nên không thể tiếp xúc được cử tri tại địa bàn bầu cử. Vậy họ phải vận động như thế nào?

+ Để nhận được sự ủng hộ của cử tri thì chương trình hành động của người ứng cử phải thật rõ ràng, dễ hiểu và tập trung chủ yếu vào những mối quan tâm của cử tri. Những ĐB thuộc khối cơ quan trung ương đang phải gánh trên vai những trọng trách của quốc gia. Việc họ thực hiện những trọng trách đó thế nào cũng là một trong những cách thể hiện chương trình hành động. Tuy nhiên, người ứng cử tại địa phương nào thì cần phải tìm hiểu rất kỹ về kinh tế-xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, cả về dân tộc, tôn giáo nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế.

. Liệu nên có những cuộc tranh luận giữa những người ứng cử để cử tri có sự phán đoán và đánh giá chính xác hơn?

+ Rất tiếc là luật chưa có quy định phương thức này, tôi nghĩ nếu có cũng rất hay. Việc tranh luận sẽ giúp cử tri có những nhìn nhận, đánh giá đầy đủ hơn về chương trình hành động của những người ứng cử, thậm chí là cả kỹ năng, phong thái của người ứng cử. Trong điều kiện hiện tại, khi chưa có quy định đó, chúng tôi khuyến nghị các địa phương trong quá trình tổ chức những hội nghị tiếp xúc cử tri cần tăng cường sự đối thoại giữa cử tri với người ứng cử, tránh việc chỉ có người ứng cử nói và cử tri chỉ ngồi nghe.

Mặt khác, do không thể có điều kiện để mời đông đảo cử tri đến dự nên các địa phương cố gắng truyền thanh trực tiếp cuộc tiếp xúc để thêm nhiều người được biết. Những cử tri đến dự là đại diện cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố cũng cần truyền tải được nội dung cuộc tiếp xúc đến với các đảng viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

. Ông có lời khuyên gì cho những người ứng cử ĐBQH khóa này?

+ Có lẽ yêu cầu cao nhất là người ứng cử phải có thái độ thật tâm cầu thị, thật sự khiêm tốn, chân thành, nên tránh việc hứa những điều đao to búa lớn với cử tri. Điều cần thiết nhất, như tôi đã đề cập, chính là phải hứa dành nhiều thời gian nhất để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tổng hợp đầy đủ gửi cơ quan có thẩm quyền và sẽ đôn đốc giám sát việc giải quyết một cách thường xuyên. Những việc bức xúc của nhân dân cần quan tâm đi sâu tìm hiểu, không né tránh để từ đó có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi có kết quả giải quyết phải về thông báo cho chính quyền địa phương, cử tri biết kết quả giải quyết đó.

. Xin cám ơn ông.

Theo Đại Thanh thực hiện

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên