MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng miếng không còn hấp dẫn

15-05-2018 - 07:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng thương mại thu hẹp mạng lưới kinh doanh mua - bán vàng miếng, giá vàng SJC thấp hơn cả vàng nhẫn trơn và trang sức 24K khiến thanh khoản kém.

Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng tại các địa điểm được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng theo sự cho phép của NH Nhà nước. Theo đó, 9 chi nhánh của BIDV tại các địa phương Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai... sẽ ngừng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng từ giữa tháng 5-2018.

Doanh thu chỉ còn 1/10

Theo đại diện BIDV, việc cắt giảm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ áp dụng với 9 địa điểm là các chi nhánh của NH ở khu vực miền núi do sắp xếp lại hoạt động kinh doanh. Riêng các địa điểm kinh doanh vàng khác vẫn giữ nguyên theo giấy phép.

Về động thái của BIDV, một số chuyên gia kinh tế cho rằng là dễ hiểu trong bối cảnh nhu cầu vàng miếng trên thị trường sụt giảm mạnh và sức hấp dẫn ngày càng giảm sút. Không chỉ BIDV mà thực tế, nhiều NH thương mại đã thu hẹp mạng lưới giao dịch vàng miếng, nhiều chi nhánh NH không còn kinh doanh vàng miếng trong thời gian qua. Doanh thu từ kinh doanh vàng cũng giảm mạnh trong tổng doanh thu của NH.

Vàng miếng không còn hấp dẫn - Ảnh 1.

Giao dịch vàng miếng trên thị trường đã giảm mạnh trong thời gian gần đây Ảnh: TẤN THẠNH

Ngày 14-5, tại NH TMCP Phương Đông (OCB) Chi nhánh TP HCM, nhân viên giao dịch cho biết nếu khách hàng muốn mua vàng miếng phải để lại thông tin để NH kiểm tra, sau đó mới thông báo cho khách hàng. NH hiện chỉ nhận giao dịch từ 1 lượng vàng SJC trở lên và thường khách hàng phải chờ 1-2 ngày, chứ không có vàng miếng sẵn tại chi nhánh.

"Số lượng khách hàng đến hỏi giao dịch vàng miếng rất ít nên nhân viên không cập nhật giá và cũng không có vàng tồn quỹ tại chi nhánh" - nhân viên OCB nói.

Theo phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối một NH cổ phần tại TP HCM, hiện các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng..., hoạt động mua, bán vàng miếng còn đem lại doanh thu, nhưng chỉ bằng 1/10 so với những năm trước. Riêng các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các NH gần như không còn giao dịch vàng miếng.

Trong báo cáo hoạt động kinh doanh của các NH thương mại vốn có thế mạnh về vàng trước đây và cả những công ty kinh doanh vàng lớn, mảng kinh doanh vàng miếng đã không còn được nhắc đến... Thực tế, số lượng vàng miếng đưa về các chi nhánh, phòng giao dịch của NH thương mại không nhiều do lượng tồn quỹ NH Nhà nước cho phép có hạn. Trong khi chi phí cao, vốn đọng nhiều mà giao dịch yếu khiến nhiều NH không mặn mà với vàng miếng.

Ngày càng sụt giảm

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, chỉ còn 973,5 tấn, giảm 7% so với quý trước. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, khi kinh tế thế giới cải thiện và các thị trường chứng khoán duy trì đà tăng giá. Nhu cầu vàng yếu phần lớn do đầu tư vàng thỏi và vàng xu giảm mạnh.

Tuy không có thống kê cụ thể về nhu cầu vàng miếng ở Việt Nam trong quý I/2018 và năm 2017 nhưng một số chuyên gia thừa nhận nhu cầu vàng miếng ở Việt Nam ngày càng giảm sút.

Ngay cả dịch vụ giữ hộ vàng có tốn phí cũng không có nhiều NH triển khai. Lãnh đạo một NH thương mại lý giải muốn giữ hộ vàng, các NH phải đầu tư kho, khách gửi vàng phải ghi số seri từng lượng, có tủ riêng và triển khai nhân lực phụ trách hoạt động này. "Doanh thu từ hoạt động giữ hộ vàng không đáng kể, còn khách thấy gửi vàng phải tốn phí nên cũng không hào hứng. Quá nhiều hạn chế để vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn như trước" - vị lãnh đạo NH này nói.

Ghi nhận của phóng viên, lượng giao dịch vàng SJC tại các công ty vàng lớn thời gian qua khá ảm đạm, chủ yếu là khách hàng nhỏ lẻ mua đi, bán lại và vắng các nhà đầu tư lớn. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết trung bình mỗi ngày, tổng lượng giao dịch vàng miếng qua hệ thống PNJ chỉ khoảng 300-400 lượng. Lúc trước, những ngày sôi động, tổng lượng giao dịch lên đến 700-800 lượng/ngày hoặc trên 1.000 lượng vàng/ngày... Những thời điểm vàng lên cơn sốt giá trong những năm trước, tổng lượng giao dịch tại SJC thường vài ngàn lượng, thậm chí đỉnh điểm là 26.000 lượng/ngày.

"Nhu cầu thấp và thanh khoản kém khiến giá vàng SJC đang thấp hơn cả vàng nhẫn trơn và trang sức 24K. Giá vàng SJC hiện không liên thông với thế giới, nguồn cung chủ yếu do mua đi bán lại trong nước nên thanh khoản kém, trong khi vàng nhẫn trơn, trang sức 24K có thêm tiền công chế tác nên giá cao hơn nhưng lại dễ mua bán" - đại diện SJC lý giải.

Giá ít biến động

Gần cuối ngày 14-5, giá vàng SJC được các doanh nghiệp tại TP HCM niêm yết mua vào 36,63 triệu đồng/lượng, bán ra 36,81 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với phiên trước. Giá vàng SJC tăng giảm trong biên độ hẹp những ngày qua, dù giá vàng thế giới có nhiều phiên biến động khá mạnh. Hiện giá vàng thế giới đang ở mức 1.320 USD/ounce, giảm nhẹ so với phiên trước. Theo giới phân tích, trong năm nay, giá vàng có thể lên mức 1.400 USD/ounce nhưng cũng có quan điểm cho rằng kim loại quý này chỉ xoay quanh mức 1.350 USD/ounce. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng như căng thẳng địa chính trị giữa một số nước trên thế giới, hay cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến giá vàng đi lên. Dù vậy, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), giá vàng sẽ chịu áp lực giảm khi đồng USD tăng giá.


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên