MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muôn kiểu ép giá vật liệu xây dựng

24-10-2015 - 22:29 PM |

Giá cả và chất lượng vật liệu xây dựng trên thị trường bán lẻ đang bị “thao túng”, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Thoải mái ép

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hải quan, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển…, xi măng Hoàng Thạch và Bút Sơn được bán nhiều nhất. Giá của 2 loại xi măng này dao dộng trong mức từ 1.500.000-1.550.000 đồng/tấn.

Mặt hàng thép Việt-Úc cũng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Loại thép Việt-Úc ø 10 có giá khoảng 83.000 đồng/cây, thép ø 12 có giá khoảng 120.000 đồng/cây...

Anh Nguyễn Việt Long, chủ một cửa hàng thép Việt Úc trên đường Nguyễn Xiển cho hay: Sở dĩ mặt hàng thép khi báo giá phải thêm từ “khoảng” vì đặc trưng của loại mặt hàng này là giá biến động theo tuần, thậm chí theo ngày. Trong tất cả các loại vật liệu xây dựng thì giá sắt, thép luôn biến động, không thể báo giá chính xác được.

Theo tìm hiểu, được biết, không riêng gì mặt hàng thép mà nhiều cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng khác hiện nay vẫn làm ăn theo kiểu “báo giá một đằng, thanh toán một nẻo”. Ông Nguyễn Văn Tuấn (Nam Từ Liêm) cho biết cách đây 2 tuần, khi ông chuẩn bị xây nhà, ông đã cẩn thận đi lấy báo giá các loại vật liệu chính như cát vàng, đá, gạch đặc, gạch ống, xi măng…ở nhiều cửa hàng khác nhau để chọn được giá rẻ nhất. Song khi chọn được nhà cung cấp giá rẻ, ông mới “té ngửa” ra là báo giá là vậy nhưng họ vẫn cứ đòi tăng giá.

“Lý do tăng giá mà họ đưa ra nhiều vô kể, có hôm họ kêu hết xe tải, phải chở cát bằng công nông. Trong khi cùng khối lượng cát 10 m3, giá vận chuyển bằng công nông bao giờ cũng cao hơn xe tải cả vài trăm ngàn đồng”, ông Tuấn phân trần. Cũng theo ông Tuấn, các loại vật liệu khác như gạch đặc, gạch ống, xi măng…, đặc biệt là sắt thép cũng được chủ cửa hàng tăng giá ầm ầm bất chấp đã thỏa thuận theo báo giá từ trước.

Theo chỉ dẫn của ông Tuấn, phóng viên đã đến cửa hàng vật liệu có tên là H.P ở khu vực Thanh Xuân Bắc. Theo ông H, chủ cửa hàng, nguyên nhân giá vật liệu phải điều chỉnh tăng là do khoảng hơn tuần nay lượng người đến cửa hàng bắt đầu đông hơn nên cửa hàng luôn trong tình trạng không có xe tải để chở vật liệu. Vật liệu vì thế phải chở bằng cả công nông, xe bò kéo, xe cải tiến… nên chi phí tăng là điều khó tránh khỏi.

Còn riêng đối với mặt hàng sắt, thép, ông chủ cửa hàng tên Chuyền trên đường Nguyễn Xiển lại phản ứng khá gay gắt khi được hỏi về vấn đề tăng giá. “Mỗi cây thép có độ dài tiêu chuẩn là 11,7m nhưng chủ nhà nào cũng yêu cầu phải giao hàng nguyên cây, tức là không cắt đôi, không bẻ cong… Với đơn hàng cho công trình lớn thì chúng tôi còn có thể sử dụng xe tải. Còn đơn hàng cho những hộ gia đình ở trong ngõ nhỏ, đường phố chật hẹp thì chúng tôi buộc phải sử dụng xe bò kéo sắt thép. Xe chở hàng cồng kềnh mà bị phạt lỗi giao thông thì chủ nhà phải chịu chi phí tăng, vì chúng tôi chỉ làm theo yêu cầu của chủ nhà”.

Theo phóng viên được biết thì đây là chiêu ép giá của nhiều chủ cửa hàng với người đang xây nhà, đặc biệt là đối với những chủ nhà từ nơi khác đến, không am hiểu thị trường, giá cả vật liệu. Thêm vào đó, lý do ép giá người mua sẽ không bao giờ được chủ cửa hàng báo trước. Việc đột ngột dừng cung cấp vật liệu cũng là một chiêu trò để người mua “sốt ruột” chấp nhận bị “chặt chém” để công trình được thi công kịp tiến độ.

Vàng thau lẫn lộn

Dù chấp nhận giá cả vật liệu xây dựng biến động theo lợi ích của người bán, song nếu người tiêu dùng không tỉnh táo, sẽ khó tránh khỏi nhiều rủi ro khác về chất lượng. Ông Lê Văn Huyên (Hà Đông) nhớ lại lần ông bị hớ khi mua cát vàng để sửa nhà. “Loại cát tôi gọi là loại cát vàng sàng, tức là cát vàng loại 1. Còn loại họ giao đến nhà tôi là loại cát vàng thô, tức là cát vàng loại 2, có giá rẻ hơn. Phải đến vài lần sau, khi có người bạn làm trong ngành xây dựng đến thăm nhà thì tôi mới biết mình bị ăn quả lừa”, ông Huyên bức xúc kể lại.

Tuy nhiên, thép mới thực sự là mặt hàng khiến nhiều người tiêu dùng phải bối rối hơn cả. Cụ thể, một cây thép Việt-Úc chính hãng (với chiều dài tiêu chuẩn 11,7m) sẽ có mức giá cao hơn thép Trung Quốc từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng, tùy đường kính và chất lượng thì cũng hoàn toàn khác biệt. Ấy vậy mà không ít chủ nhà đã không thể phân biệt được. Họ sẵn sàng chấp nhận trả một mức giá cao để nhận được sản phẩm với chất lượng không tương xứng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Nam Từ Liêm) cũng là một nạn nhân như thế. Ông cho biết không chỉ ông mà nhiều người bạn khác của ông đã bị chủ hàng trà trộn nhiều loại sắt thép không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhái thép Việt-Úc. Ông dẫn chứng: Nếu xét về hình thức, người ta thường nghĩ thép giả, thép nhái thường là loại thép nhỏ hơn so với thép thật thì bây giờ không những không thép nhái nhỏ hơn mà thậm chí còn làm to hơn với thép của công ty (ví dụ thép của công ty chính hãng là ø 10 thì thép tư nhân là ø 10,2) với giải thích đây là thép xuất khẩu?!

Anh Lê Văn Sự (Nam Từ Liêm), một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng lý giải: Thép giả, thép nhái hiện nay vẫn được trà trộn trên thị trường, dưới nhiều hình thức khác nhau. Song phổ biến nhất là loại thép nhái mà họ làm ký hiệu “hơi lái” đi một chút. “Chẳng hạn đối với thép Việt Úc thật ký hiệu là Y V-UC thì thép giả ký hiệu là H V-UC và tất cả những chữ H trên ký hiệu đều rất mờ và bị nhoè, không rõ chữ”, anh Sự cho biết.

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang từng ngày bị chủ hàng “thao túng” về giá cả và chất lượng các loại vật liệu xây dựng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kiểm soát mặt hàng này tốt hơn và xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh, buôn bán loại mặt hàng này.

 

 

Theo Hoàng Anh

Báo Hải quan

Trở lên trên