MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm lối ra cho gạch không nung

12-06-2013 - 14:26 PM |

6 tháng đầu năm, thị trường vật liệu xây dựng đã bắt đầu khởi sắc, tuy nhiên, thị trường vật liệu không nung (VLKN)- dòng sản phẩm vật liệu xây dựng xanh - vẫn khá ảm đạm.

Để tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ VLKN, ngày 5/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu không nung theo Quyết định 567/QĐ/TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tư nhanh, tiêu thụ chậm

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, sau 3 năm triển khai, đến nay cả nước đã đầu tư khoảng 1.200 dây chuyền gạch xi măng cốt liệu (gạch Block) với tổng công suất trên 4,5 tỷ viên/năm, 22 doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất thiết kế 3,8 triệu viên/năm, 17 cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt với tổng công suất trên 190.000 m3/năm.

Tuy nhiên, do tiêu thụ khó khăn nên các DN mới sản xuất 4 tỷ viên gạch Block và 1,4 tỷ viên gạch bê tông khí, 0,1 triệu m3 bê tông bọt. Thế nhưng, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 3,5 tỷ viên gạch Block và gạch bê tông khí, gạch bê tông bọt chỉ tiêu thụ được 0,06 triệu m3, chiếm 17% vật liệu xây.

Điều đó cho thấy, mặc dù được tôn vinh là dòng sản phẩm xanh với các ưu điểm như cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm tài nguyên đất, tận dụng được phế thải công nghiệp nhiệt điện, thân thiện với môi trường… nhưng các DN sản xuất VLKN vẫn canh cánh nỗi lo ế hàng. Quyết định 567/QĐ/TTg là đảm bảo tỷ lệ gạch không nung đạt 20-25% vật liệu xây vào năm 2015, đến năm 2020 đạt khoảng 30 - 40% cũng đứng trước nguy cơ khó đạt được.

Trong khi đó, trên thế giới thì vật liệu này đã quá quen thuộc với các công trình cao tầng. Ở Việt Nam, các công trình do người nước ngoài làm chủ đầu tư như: khách sạn Horison, Opera, Grand Plaza, Hilton, Crown Plaza, Keangnam chủ yếu sử dụng VLKN…. Việt Nam cũng đã có một số nhà cung ứng thiết bị dây chuyền công nghệ sản xuất VLKN quy mô công nghiệp với chất lượng sản phẩm không thua kém nước ngoài như: DmC Group, Trung Hậu, Thanh Phúc, ĐH Bách Khoa, Phương Nam Block. Vấn đề là người dân vẫn thờ ơ.

Cần chính sách hỗ trợ hợp lý

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến người dân chưa nhiệt tình với VLKN một phần do thói quen tiêu dùng của người dân vẫn thích gạch nung đất sét màu đỏ tươi. Hơn nữa, nếu tính chi li thì giá gạch không nung hiện nay vẫn đắt hơn gạch nung.

Điều quan trọng nữa là các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng  còn chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLKN. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai Quyết định 567/QĐ/TTg (đến nay mới có 10 tỉnh xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, 17 tỉnh xin điều chỉnh lộ trình).

Mặt khác, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật chưa có nên các công trình sử dụng vốn nhà nước không dám dùng VLKN bởi không thể thanh quyết toán được…

Theo các chuyên gia, để VLKN sớm thay thế dần gạch đất sét nung, cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là các công trình vốn ngân sách, có chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất VLKN. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị  tăng thuế tài nguyên đất sét lên 15% (hiện nay là 7%); DN đầu tư mở rộng sản xuất VLKN cần được ưu đãi như DN lập dự án đầu tư mới. Hình thành đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, kỹ thuật sản xuất; đơn giá, quy phạm, định mức xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng VLKN trong các công trình xây dựng.

Chỉ đạo vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: VLKN không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tận dụng tối đa nguồn phế thải công nghiệp khai thác đá và nhiệt điện, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành  đẩy mạnh tuyên truyền về VLKN. Bộ Xây dựng báo cáo tiến độ triển khai Quyết định 567 của các địa phương; Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thuế để khuyến khích các DN tham gia nhiều hơn vào đầu tư sản xuất VLKN.

Theo Ngọc Loan

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên