MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VDSC: Mục tiêu chính của Bách Hoá Xanh là chiếm miếng bánh chợ, tạp hoá

07-10-2018 - 09:18 AM | Doanh nghiệp

Đến 2022, trong kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh có thể đạt được 4.500 cửa hàng và 94.000 tỷ đồng doanh thu, đóng góp vào gần 50% doanh thu MWG.

Lợi thế cạnh tranh

Điện Máy Xanh đã chính thức vượt qua chuỗi Thế Giới Di Động từ tháng 11/2017 để trở thành đầu tàu đóng góp doanh thu của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (Mã: MWG). Chuỗi này đóng góp 55% doanh thu 8 tháng đầu năm cho MWG. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện, tăng 2% so với cuối 2016, đạt 17% cho năm 2017.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá MWG đã lựa chọn mô hình phù hợp cho Bách Hóa Xanh, chính là siêu thị nhỏ (minmart) và đặt vị trí cửa hàng thuận tiện.

Các cửa hàng mới của chuỗi siêu thị này có diện tích trên 150 m2, được đặt trên các trục đường dẫn vào khu vực đông dân cư tại các quận vệ tinh, đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm trên đường về nhà của người nội trợ.

Ngoài các tiêu chí về số lượng nóc nhà xung quanh và lưu lượng giao thông qua lại trước cửa hàng, các vị trí gần chợ truyền thống là yếu tố quan trọng khi mở cửa hàng. Khoảng 50% doanh thu các cửa hàng tiêu chuẩn đến từ các mặt hàng tươi, cho thấy nhu cầu lớn của người mua.

VDSC đánh giá về lý thuyết, các đối thủ hoàn toàn có thể áp dụng cách thức triển khai của Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ để phần lớn cửa hàng hiện hữu của CoopFood hay SatraFood chuyển đổi không gian để mở rộng danh mục hàng tươi và “cá lội”, do giới hạn về mặt diện tích (chỉ dưới 100m2).

VDSC: Mục tiêu chính của Bách Hoá Xanh là chiếm miếng bánh chợ, tạp hoá  - Ảnh 1.

CoopFood và SatraFood có thể áp dụng với các cửa hàng mới, nhưng VDSC không đánh giá cao năng lực mở rộng của 2 chuỗi này. Hai công ty mẹ của 2 chuỗi là Saigon Coop và Satra Group, tuy có tiềm lực nhưng chưa cho thấy sự tập trung phát triển mô hình minimart.

Do vậy, dù đã vận hành lâu năm (CoopFood - 10 năm, 230 cửa hàng, SatraFood - 7 năm, 180 cửa hàng), 2 chuỗi này vẫn chưa có sự bứt phá rõ rệt. CoopFood và SatraFood đã đẩy nhanh mở cửa hàng từ năm 2016, nhưng tổng quan về vị trí cửa hàng, thiết kế bố cục hay thái độ phục vụ đều còn hạn chế.

Năng lực và kinh nghiệm của Coop và Satra cũng chưa sánh được với MWG, vốn có kinh nghiệm quản lý và mở rộng chuỗi trên qui mô lớn hơn nhiều. Không những thế, ban lãnh đạo MWG luôn chủ động thực hiện cải tiến khi nhận ra các tồn tại.

Trên tất cả, mục tiêu chính của Bách Hóa Xanh không phải là các chuỗi minimart đối thủ, mà là chiếm lấy miếng bánh từ chợ và tiệm tạp hóa. Những giải pháp mà Bách Hóa Xanh đang tiến hành là cần thiết để tạo lợi thế trong cuộc đấu này, để trở thành “ chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn”.

Nhờ gia tăng quy mô, cải thiện quản lý chi phí và thay đổi cơ cấu mặt hàng, biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh đã tăng đáng kể, từ 12% cả năm 2017 lên 14% trong Quý 1 và 16% trong Quý 2 năm 2018. Mặc dù vậy, ước tính chuỗi này phải cần đạt được 18% biên LN gộp để đạt được mức hòa vốn EBITDA.

VDSC: Mục tiêu chính của Bách Hoá Xanh là chiếm miếng bánh chợ, tạp hoá  - Ảnh 2.

Để cải thiện biên lợi nhuận, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh cần tăng giá bán và cơ cấu thực phẩm tươi, tăng quy mô và giảm tỷ lệ hư hao. Tuy nhiên việc tăng quy mô và giảm hư hao sẽ là thách thức.

Nếu làm tốt, VDSC cho rằng biên lợi nhuận thuần của Bách Hóa Xanh ở giai đoạn trưởng thành sẽ ở mức 3-4%.

Hai kịch bản phát triển

Trong kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh có thể đạt điểm hòa vốn toàn hệ thống vào cuối 2018, và sẽ phủ sóng toàn bộ TP HCM trong 2019 trước khi đẩy mạnh mở rộng ở các địa phương lân cận.

VDSC: Mục tiêu chính của Bách Hoá Xanh là chiếm miếng bánh chợ, tạp hoá  - Ảnh 3.

Xem xét triển vọng trung và dài hạn, VDSC đánh giá cao khả năng thành công của Bách Hóa Xanh tại khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh thành khu vực miền Tây. Đây là nơi tập trung nguồn cung cấp dồi dào, tỷ lệ đô thị hóa cao, dân cư tập trung đông và có sự cởi mở cao với kênh bán lẻ hiện đại.

Khả năng mở rộng của Bách Hóa Xanh được VDSC ước tính đến 2022 gồm 1.500 cửa hàng tại TP HCM và 3.000 cửa hàng tại các tỉnh thành khác. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 1,5 tỷ đồng/tháng khi ổn định.

Trong kịch bản kém tích cực, Bách Hóa Xanh chưa thể hòa vốn vào cuối năm nay. Chuỗi sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh, hoàn thành phủ sóng TP HCM vào 2020, sau đó bắt đầu mở rộng ra các tỉnh khác như Bình Dương, Biên Hòa. Đến 2022, số cửa hàng của Bách Hóa Xanh đạt khoảng 2.000.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

Trở lên trên