MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị đắng của cổ phiếu đường: Mất nửa giá trị chỉ trong 3 tháng

Những thông tin, nhận định không mấy tích cực khi hiệp định ATIGA bắt đầu áp dụng đang khiến cổ phiếu của CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) và các doanh nghiệp mía đường khác lao đao.

Từng là cổ phiếu ngành đường giá cao nhất trên thị trường, có thời điểm sắp chạm ngưỡng 200.000 đồng/cp, nhưng chỉ trong gần 3 tháng đầu 2018, SLS đã giảm 45% giá trị, thanh khoản trung bình chỉ quanh 11.000 cp mỗi phiên.

Vị đắng của cổ phiếu đường: Mất nửa giá trị chỉ trong 3 tháng - Ảnh 1.

Trong 1 tuần giao dịch gần đây, từng có 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu SLS rơi vào cảnh mất thanh khoản và giảm sàn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cổ phiếu mía đường khác như LSS, KTS, SBT…

SLS đã phải lên tiếng trấn an nhà đầu tư về việc thị giá giảm mạnh, với lý do thông tin về hiệp định ATIGA và giá đường liên tục đi xuống trên thị trường đã tác động tiêu cực tới cổ phiếu.

Lâu nay, doanh nghiệp mía đường vẫn được biết đến là “những kẻ sống nhờ thị trường, chết cũng bởi thị trường” bởi kết quả kinh doanh gắn chặt với giá đường.

Trong giai đoạn ngành đường bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino năm 2015, nguồn cung thiếu hụt do sản lượng mía của nhiều khu vực thấp kỷ lục. Trong khi đó, nhu cầu thế giới vẫn tăng đều đặn 2%/năm do ngành công nghiệp thực phẩm châu Á phát triển mạnh, đã giúp giá đường liên tục bứt phá, từng có thời điểm đạt 24 USD/LB (cân Anh) vào cuối 2016.

Tuy nhiên, sang giữa 2017, khi hiện tượng thời tiết bất thường chấm dứt, cung cầu trở lại mức cân bằng và xuất hiện thặng dư, thì giá đường quay đầu giảm, mất 40% so với mức đỉnh năm trước.

Vị đắng của cổ phiếu đường: Mất nửa giá trị chỉ trong 3 tháng - Ảnh 2.

Năm 2018, giá đường lại tiếp đà giảm sau khoảng thời gian chững lại trước đó, điều này được lý giải bởi dự báo sản lượng đường thế giới tăng 8% lên mức kỷ lục 192 triệu tấn trong niên vụ 2017/2018, do sản lượng tăng ở Liên minh Châu Âu và Thái Lan, theo công ty Informa's Agribusiness Intelligenc.

Đối với doanh nghiệp đường Việt Nam, tình trạng có thể “khắc nghiệt” hơn khi hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực từ 01/01 năm nay. Với việc bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối với sản phẩm đường, hàng trăm nghìn tấn đường nhập lậu mỗi năm sẽ có thể nhập khẩu chính ngạch và lượng nhập chính ngạch sẽ còn tăng cao gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, cạnh tranh với đường từ Thái Lan sẽ trở thành thách thức cho các doanh nghiệp đường Việt Nam, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn trên đấu trường Đông Nam Á. Câu hỏi làm sao để giảm giá mía đấu vào, tăng năng suất vùng trồng, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị phần được đặt lên hàng đầu.

Với SLS nói riêng, NĐTC 2017-2018 của doanh nghiệp này bắt đầu từ 01/07 năm trước. Trong nửa đầu niên độ, giá đường diễn biến đi ngang và tăng nhẹ trở lại, đã tác động tương đối tích cực đến kết quả kinh doanh của SLS (doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 160% và 83% so với cùng kỳ), đây cũng là khoảng thời gian ATIGA vẫn chưa chính thức áp dụng.

Tuy nhiên, chặng đường nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nhiều. Theo thông tin SLS cho biết, trong văn bản thông báo ngày 22/03, công ty sản xuất được 36.500 tấn đường, tương đương 60,6% kế hoạch năm.

Dự án dây chuyền sản xuất công suất 5.000 TMN nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cũng đã đưa vào hoạt động trong mùa vụ 2018 . Nhưng với tình hình thị trường hiện tại, lượng cung đang ở trạng thái dồi dào, khiến việc tiêu thụ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo công bố mới đây, lượng tồn kho của ngành đường đang ở ngưỡng 400.000 tấn, một phần bởi các thương lái không còn tích trữ đường sau khi kết thúc niên vụ, do đường Thái Lan không chênh giá nhiều so với đường Việt Nam, nên đường nằm tồn kho tại các nhà máy.

Dù tình hình được vị chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Phạm Quốc Doanh khẳng định vẫn ở mức bình thường, trong tầm kiểm soát, nhưng những áp lực từ nhiều phía đối với ngành đường đang khiến nhà đầu tư và cả doanh nghiệp lo lắng.

Trong khi đó, bài toán có nên bảo hộ ngành đường trong nước hay không vẫn còn bỏ ngỏ lời giải, trước khi thấy được mức độ tác động của đường nhập khẩu đối với các nhà máy, đời sống nông dân trồng mía và doanh nghiệp.

Theo Lê Hải

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên