MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 con gà “cõng” 14 loại phí: Ngành chăn nuôi "lao đao" trước TPP?

Một con gà hay quả trứng phải cõng từ 14-17 loại thuế, phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn,phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch… Ngành chăn nuôi có “lao đao” trước ngưỡng cửa hội nhập?

“Lao đao” trước ngưỡng cửa hội nhập?

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chăn nuôi không phải là một ngành mà Việt Nam đang có lợi thế. Sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại trên thị trường.

Nhiều hộ nông dân, các trang trại, các doanh nghiệp kém hiệu quả trong ngành như phân ngành thịt lợn và thịt gia cầm sẽ buộc phải rời khỏi thị trường trong khi những hộ, trang trại, doanh nghiệp còn tồn tại được sẽ phải tái cấu trúc để có thể cạnh tranh.

Khi đó, các chính sách hướng đến việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi là cần thiết nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và nhằm giảm bớt thua thiệt cho những đối tượng buộc phải chuyển đổi công việc hoặc buộc phải rời khỏi ngành.

Trong quá trình hội nhập, các biện pháp tạm thời như lộ trình cắt giảm thuế quan, sử dụng hạn ngạch hay các biện pháp phi thuế quan có thể được xem xét sử dụng để bảo vệ các phân ngành được ưu tiên.

Theo một số chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tái cấu trúc ngành chăn nuôi cần hướng đến ưu tiên vào các ngành không có nguy cơ chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng như thịt tươi hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà đồi, lợn mán, lợn cắp nách…

Hiện nay, các loại phí còn cao, hoặc phức tạp. Đơn cử trường hợp một con gà hay quả trứng phải cõng từ 14-17 loại thuế, phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn,phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch.

Bên cạnh đó, nhiều loại thuế và phí còn chồng chéo, không hợp lý, làm tăng chi phí cho người nông dân và doanh nghiệp.

Vấn đề thị trường đầu ra cũng là một trong những “cái khó” của ngành chăn nuôi. Hiện nay, tình trạng kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, doanh nghiệp mới ngại gia nhập thị trường.

Quy mô sản xuất manh mún, công nghệ thấp, tiêu thụ gắn với sản xuất… là những đặc điểm dễ nhận thấy của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại, ngành chăn nuôi sẽ khó lòng cạnh tranh với các thị trường nước ngoài và doanh nghiệp sẽ dễ bị loại bỏ khỏi thị trường.

Bài toán nào cho ngành chăn nuôi?

Trước thực trạng đáng báo động đối với ngành chăn nuôi khi TPP đang cận kề, TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, nếu TPP được ký kết, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan sẽ bị tác động mạnh.

Theo ông Thành, các chính sách về thuế trong chăn nuôi cũng nên có định hướng rõ ràng hơn về việc khuyến khích các mô hình chăn nuôi mới như các trang trại công nghệ cao, các hợp tác xã kiểu mới, hay những trang trại quy mô lớn có liên kết chặt chẽ với các hộ nông danh và nhà phân phối. Cấu trúc các loại thuế và phí cho sản phẩm chăn nuôi cũng cần được cơ cấu lại.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, khi TPP được hình thành, thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thiết bị công nghệ... trong ngành chăn nuôi sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, một số phân ngành nhỏ như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, gà chạy đồi, lợn mán, lợn cắp nách...vẫn có cơ hội phát triển trong TPP do thói quen tiêu dùng của người Việt.

“Hiện Chính phủ đã ban hành một Nghị định và một Quyết định để định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong đến 2020, nhưng vấn đề là đợi ngân sách bố trí để thực hiện những chính sách ấy giúp doanh nghiệp và nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, thích ứng được” – ông Chinh nói.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành chăn nuôi cần nhanh chóng tái cơ cấu; biến người nông dân vốn chưa quen kỷ luật lao động kỷ luật cao thành những công nhân nông nghiệp, họ phải được đào tạo, kỷ luật lao động cao.

Theo ông Doanh, người nông dân trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay không thể muốn làm gì thì làm, mà cần phải tuân theo những nguyên tắc, đòi hỏi của thị trường. Chẳng hạn, đối với ngư dân cung cấp cá ngừ cho Nhật Bản, nếu có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp cá ngừ loại 1, ngư dân sẽ bán được với giá cao gấp 3,4 lần và có thể trở nên “giàu to”.

“Khi hội nhập, thách thức sẽ đến ngay nhưng cơ hội cần nắm bắt. Hội nhập mang theo cơ hội, đồng thời cũng là thách thức rất lớn. Do đó, người nông dân cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước ngưỡng cửa hội nhập” – TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên