MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 kịch bản cho sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước

Kịch bản trung bình dường như là khả thi nhất trong giai đoạn phát triển tới của các tập đoàn kinh tế Việt Nam

Tóm tắt:

- Quy mô của các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn nhất

- Các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vị trí thống lĩnh theo ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế

- Các tập đoàn kinh tế nhà nước đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng về cả các chỉ tiêu về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận sau thuế và lao động.

- Các tập đoàn kinh tế nhà nước có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty quy mô lớn nhất có xu hướng tăng trong những năm gần đây

- 3 kịch bản phát triển của tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian tới sẽ là: Thấp, trung bình và cao đối với 2 chỉ tiêu doanh thu bình quân và quy mô lao động bình quân


Sáng nay (ngày 10/2/2015), Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM đã tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.

Theo ông Bùi Văn Dũng – Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, hiện nay quy mô của các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn nhất (15 vị trí trong top 20 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam).

Ấn tượng về tăng trưởng

Các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vị trí thống lĩnh theo ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Điển hình như: Lĩnh vực phân bón doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 99%, khai thác than là 97%, trong sản xuất điện và ga là 94%, trong thuyền thông là 91% và trong lĩnh vực bảo hiểm là 88%.

Đánh giá về mức độ tăng trưởng của các tập đoàn kinh tế ông Dũng cho rằng, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng về cả các chỉ tiêu về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận sau thuế và lao động.

Về tổng tài sản, trước khi thành lập tập đoàn chỉ có 50% nhóm doanh nghiệp có mức tăng bình quân hàng năm trên 10% thì sau khi hình thành tập đoàn có đến 76% số tập đoành kinh tế có mức tăng tổng tài sản trên 10%/năm; trong đó có 46,2% tập đoàn có mức tăng trên 20%. Tương tự như vậy đối với các chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu, doanh thu hay lợi nhuận sau thuế và nộp ngân sách.

Bình quân 3 năm trước khi hình thành các tập đoàn kinh tế chỉ có 27,3% số công ty mẹ có mức tăng trưởng tổng tài sản trên 20%/năm nhưng bình quân sau 3 năm khi hình thành tập đoàn, có đến 51% công ty mẹ có mức tăng trưởng tổng tài sản trên 20%/năm.

Đặc biệt, đa số các công ty có mức tăng trưởng trong khoảng 10 – 20% so với mức trên 20% của công ty mẹ.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính có xu hướng tăng

Đánh giá về mức độ an toàn tài chính, ông Dũng chỉ ra rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân có mức độ sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu tốt hơn so với các tập đoàn kinh tế nhà nước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm 2012 của 20 tập đoàn kinh tế lớn nhất thuộc khu vực kinh tế tư nhân đạt 8,45% trong năm 2012 và 12,27% trong năm 2013. Còn tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước ước đạt 5,28% trong năm 2012 và 7,30% trong năm 2013.

“Các tập đoàn kinh tế nhà nước có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty quy mô lớn nhất có xu hướng tăng trong những năm gần đây từ mức 1,92 lần năm 2010 lên mức 2,70 lần năm 2013” – Ông Dũng nêu.

Kịch bản trung bình sẽ là phù hợp với các tập đoàn trong thời gian tới

Dự báo về sự phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam ông Dũng đưa ra 3 kịch bản thấp, trung bình và cao đối với 2 chỉ tiêu doanh thu bình quân và quy mô lao động bình quân.

Đối với chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của các tập đoàn kinh tế, bình quân giai đoạn 2014-2020 chỉ tăng 12,68%/năm, 14,23%/năm và 15,79%/năm ở kịch bản thấp, trung bình và cao.

Ông Dũng cho rằng, doanh thu bình quân sẽ đạt “đỉnh” vào giai đoạn 2018-2019 đối với tất cả các kịch bản, sau đó sẽ giảm dần.

Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng lao động bình quân, trong giai đoạn 2014-2016 xu hướng cắt giảm là chủ đạo, nhưng theo hướng cải thiện dần.

Ở kịch bản cao, năm 2016, tốc độ tăng trưởng lao động bình quân của các tập đoàn kinh tế đạt khoảng 3,12%. Trong khi đó, ở kịch bản trung bình, kịch bản thấp thì tăng trưởng lao động dương sẽ bắt đầu lần lượt vào năm 2017, 2018 với mức tăng lần lượt là 1,07% và 5,12%.

So sánh 3 kịch bản phát triển đối với tập đoàn kinh tế trong mối tương quan với “sức khỏe” nội tại của nền kinh tế, của chất lượng và mô hình tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực, ông Bùi Văn Dũng nhận định: “Kịch bản trung bình dường như là khả thi nhất trong giai đoạn phát triển tới của tập đoàn kinh tế Việt Nam”.

Nhưng dù ở kịch bản nào, sự phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam phải mang một “sức sống mới”. Cắt nghĩa cụ thể hơn, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM thẳng thắn, ngoài làm chủ thị trường trong nước thì phải phát triển một số tập đoàn kinh tế có thương hiệu mang tầm khu vực. Quá trình tái cơ cấu tập đoàn kinh tế Nhà nước cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Trong đó, công ty mẹ tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của ngành, lĩnh vực này. Các tập đoàn kinh tế trên cơ sở đa sở hữu, tạo dư địa cho các thành phần kinh tế khác, như tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia phát triển, đảm bảo có nguồn lực đầu tư tốt hơn và giám sát tốt hơn.

“Cần tiếp tục mở cửa thị trường các ngành, lĩnh vực kinh doanh độc quyền tự nhiên hoặc do các tập đoàn kinh tế Nhà nước thống lĩnh hoặc giữ thị phần chi phối, hạn chế dần và tiến tới loại bỏ, kiểm soát có hiệu quả vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực đó”- ông Dũng nhấn mạnh.

>>>Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên