MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 lý do “kéo” CPI năm 2014 giảm trong mắt các nhà thống kê

CPI thấp cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ tiếp tục được thực hiện thành công, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm nay giảm 0,24% so với tháng trước và là tháng có mức CPI giảm trong 10 năm gần đây (không tính năm 2008 là năm ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế thế giới). 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm chỉ số giá giảm mạnh trong tháng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99% và nhóm giao thông giảm 3,09% (đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI). 

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ giữ mức giá tương đối ổn định với mức tăng không đáng kể bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%...

Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 12 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, tác động làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09% và đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI.

Bên cạnh đó, giá gas thế giới giảm mạnh nên giá gas và giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm cũng là nguyên nhân “kéo” CPI tháng 12/2014 giảm so với tháng trước (giá gas giảm bình quân 6,48%; giá dầu hỏa giảm bình quân 4,01%).

Tính chung 12 tháng năm 2014, CPI cả nước chỉ tăng 1,84%. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng tăng 0,15%.

Có thể nói, CPI thấp cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ tiếp tục được thực hiện thành công, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng. 

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, CPI năm 2014 tăng thấp so với năm trước chủ yếu do một số nguyên nhân chính sau đây.

Thứ nhất, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12/2014 chỉ tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2013; thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,08% của cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định. Do đó, giá các mặt hàng thiết yếu tại Việt Nam cũng không bị biến động nhiều.

Thứ ba, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới, nhất là giá dầu thô thời gian gần đây giảm mạnh và đang tiếp tục đà giảm dẫn đến giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông tháng 12 năm nay lần lượt giảm 1,95% và giảm 5,57% so với cùng kỳ năm trước; ngược với xu hướng tăng 5,49% và tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2013.

Thứ tư, công tác quản lý giá trong năm 2014 được thực hiện khá hợp lý khi thời điểm điều chỉnh không trùng vào các tháng cao điểm đã giảm thiểu được tác động của việc điều chỉnh giá lên CPI. Mức giá được điều chỉnh đối với một số nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.

Năm 2014, có 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC. Đồng thời năm 2014 là năm cuối của chu kỳ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP nên mức giá được điều chỉnh cũng thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Tính chung cả năm 2014, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế và nhóm dịch vụ giáo dục tăng lần lượt là 2,2% và 8,96% so với tháng 12 năm trước; thấp hơn nhiều so với mức tăng 23,51% và 12,82% của năm 2013.

>>>CPI giảm: Mừng hay lo?

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên