MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 lĩnh vực doanh nghiệp FDI đang đổ tiền vào để "đè" doanh nghiệp Việt

Công nghiệp chế biến, sản xuất điện, đến bất động sản, dệt may, kho hàng, đều có sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI.

Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, trong năm 2015, tổng vốn đăng ký FDI cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.

Trong đó, 3 lĩnh vực hấp dẫn nhất các nhà đầu tư nước ngoài là công nghệ chế biến, sản xuất và phân phối điện, bất động sản. Cụ thể:

Đầu tiên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong năm vừa qua, có khoảng 955 dự án đầu tư đăng ký mới và 517 lượt dự án tăng vốn với số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nổi nhất có thể kể tới dự án Cty SamSung Display Việt Nam tại Bắc Ninh với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD, tiếp theo là dự án Nhà máy sản xuất giấy công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD do nhà đầu tư Samoa đầu tư tại Khu công nghiệp Bình Dương.

Thứ hai, ở lĩnh vực sản xuất và phân phối điện với 9 dự án đăng ký cấp mới và 8 lượt dự án tăng vốn với tổng đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,8 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư.

Các dự án ở lĩnh vực này như: Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd – Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu là Thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW (bao gồm hai tổ máy với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy)...

Thứ ba là lĩnh vực Kinh doanh bất động sản với 34 dự án đầu tư mới và 12 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư.

Ngoài ra, còn có ba lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước cũng đang được các doanh nghiệp nước ngoài đổ tiền vào để cạnh tranh với DN Việt. Đó là: dệt may, logistics, bán lẻ.

Ở lĩnh vực dệt may, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đổ xô vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ví dụ, Tập đoàn dệt may Texhong (Hồng Kông) đầu tư 300 triệu USD giai đoạn 1 một nhà máy sợi tại Quảng Ninh, công ty Kyungbang (Hàn Quốc) đầu tư một nhà máy kéo sợi 100% vốn nước ngoài giá trị 40 triệu USD tại Bình Dương...

Sự đổ bộ này được cho là đón đầu cơ hội mà TPP cũng như nhiều hiệp định thương mại khác mang lại như thuế suất xuất khẩu các mặt hàng dần giảm về 0...

Ở lĩnh vực logistics, theo ước tính của Hiệp hội Logistics thì 80% thị phần này đang rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.

Cuối cùng là lĩnh vực bán lẻ, đây là ngành đến một người bình thường cũng có thể thấy rõ sự hiện diện của các khối ngoại.

Berli Jucker (Thái Lan) đang muốn trở thành đại gia bán lẻ tại Việt Nam. Năm ngoái, hãng này đã chi hơn 700 triệu USD mua lại hệ thống Metro Việt Nam. BJC cũng đã mua chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart và lên kế hoạch mở thêm 300 cửa hàng nữa tại đây.

Thêm hàng loạt các tên tuổi khác cũng đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng là Big C, Aeon Mall, Family Mart, Ministop và Lotte Mart. Nhiều công ty khác tại khu vực Đông Nam Á cũng đã và đang có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Theo Tô Mạn

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên