MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần 26/1-31/1

Thủ tướng chỉ đạo kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%; Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô; Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ … là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%

Ngày 30/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 01/2015. Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã đánh giá tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (29/1/2015) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu, kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2% , không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%.

Chọn kịch bản "xấu nhất" để ứng phó với giá dầu

Ngày 29/1, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của các Bộ, cơ quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô về vấn đề giá điện, giá dầu.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nắm chắc diễn biến tình hình giá xăng, dầu thế giới để kịp thời xây dựng các phương án và thực hiện các giải pháp phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính điều hành ngân sách nhà nước theo phương án giá dầu thấp nhất do Tổ công tác đưa ra (40 USD/thùng).

Giá dầu giảm "sốc", niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn không tăng

Theo báo cáo về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của Ngân hàng ANZ, chỉ số này đã giảm nhẹ xuống 135.4 điểm (giảm 0,2 điểm phần trăm) trong tháng 1 và hiện vẫn nhỉnh hơn mức trung bình của năm 2014 là 133,3 điểm.

Điều đáng chú ý nhất của các báo cáo về niềm tin người tiêu dùng Việt Nam là sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới cũng không ngăn cản được việc niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục giảm nhẹ trong những tháng vừa qua.

Tháng 1 ước nhập siêu 500 triệu USD

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay ước đạt 12,9 tỷ USD; tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước tháng 1 ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, ước tính tháng 1 cả nước nhập siêu 500 triệu USD ; bằng 3,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.

Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô

Tại buổi họp sáng 28/1, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo về một số đề xuất trong triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam .

Căn cứ trên các phân tích hiện trạng và định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô, các bộ đã có đề xuất bước đầu về thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng với lộ trình từ nay đến năm 2018; thuế TTĐB cho các loại ô tô khác nhau theo hướng tạo điều kiện mở rộng dung lượng thị trường ô tô trong nước đối với một số dòng xe được khuyến khích sử dụng.

Thứ trưởng Công thương lo EVN phá sản nếu không tăng giá điện

Tham dự cuộc họp của tổ công tác liên ngành 4 bộ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình 3 phương án đề xuất tăng giá điện.

Theo ông tình hình “sức khỏe” tài chính của EVN hiện đang “rất nguy cấp” theo đánh giá của các chuyên gia WB. Thậm chí, WB cho rằng, nếu giá điện ở Việt Nam tiếp tục bán dưới giá thành như hiện nay mà không được điều chỉnh tăng thì EVN sẽ đứng trước nguy cơ quá sức chịu đựng trước các khoản nợ “khủng” , có thể sẽ bị phá sản.

Nhiều chính sách đặc thù cho Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn

Theo Quyết định số 2428/QG-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung Khu kinh tế này vào danh sách các nhóm Khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015.

Bên cạnh các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành, Khu kinh tế Vân Đồn được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như: Ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong Khu kinh tế; được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA …

>>>Thứ trưởng Công thương lo EVN phá sản nếu không tăng giá điện

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên