MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

90% hàng Việt được bán tại cơ sở phân phối

Sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định khi có tới 90% hàng sản xuất tại Việt Nam được bán tại các cơ sở phân phối .

Tại Hội nghị “Sơ kết thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sang ngày 24/7 tại Hà Nội.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra con số khảo sát của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội cho thấy, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi quan tâm đến Cuộc vận động.

Đáng chú ý, có tới 63% người tiêu dùng xác định ưu tiên mua hàng Việt Nam sản xuất và 54% người tiêu dùng không chỉ sử dụng hàng Việt mà còn động viên người nhà mua hàng Việt.

Để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, nhiều chương trình xúc tiến và thông tin tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Đơn cử như Bộ Công Thương đã phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại nội địa với 223 đề án, có tổng kinh phí 100 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cũng hỗ trợ khuyến công với kinh phí 90 tỷ đồng; thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, với kinh phí 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong khi các DN Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ hội nhập, thì hiện vẫn chưa có những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa, thiếu chính sách hỗ trợ về công nghệ.

Những quy định hiện hành cũng chưa tạo thuận lợi cho việc sử dụng hàng Việt Nam. Đơn cử như quy định về đấu thầu, nhiều hồ sơ mời thầu vẫn ưu tiên cho hàng ngoại, hoặc chia tách gói thầu có giá trị lớn, khiến DN Việt không có khả năng tham gia thầu.

Do đó, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối DN, xúc tiến thương mại nội địa. Tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, tổ chức các chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam”.

Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí… để thúc đẩy tăng tiêu thụ trong nội địa, giảm áp lực xuất khẩu.

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên