MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB: Nợ công của Việt Nam cuối năm 2016 có thể đến 60% GDP

Nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, ADB đưa ra dự báo nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng và lên đến 60% GDP

Tóm tắt:

Theo ADB:

- Thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016

- Việc hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, dỡ bỏ thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên đều ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách

- Trong thời kỳ dự báo, giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến số thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp

- Việt Nam nên điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư

- Về lâu dài, ADB đánh giá Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị doanh nghiệp và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn.


Thông tin này được đề cập trong Báo cáo triển vọng Châu Á 2015 – phần nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, Báo cáo có nêu, chính sách tài khóa dự báo sẽ tiếp tục mở rộng do thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016.

“Thâm hụt ngân sách đồng nghĩa với việc nhấn mạnh nhiều hơn vào chi tiêu đầu tư, dự báo sẽ tăng gần 20% sau hai năm giảm tuyệt đối. Chi thường xuyên dự báo sẽ tăng 10%, trong đó chi cho y tế tăng 11% và chi cho giáo dục tăng 5%. Chính phủ có thể sẽ gặp khó khăn để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách” – Báo cáo chỉ rõ.

ADB cũng cho rằng, việc hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, dỡ bỏ thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên đều ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách.

Từ 2010 đến 2014, tài trợ và thu ngân sách Trung ương giảm từ 27,6% GDP xuống khoảng 21,5% GDP. Trong thời kỳ dự báo, giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến số thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với dự báo triển vọng giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, ADB đưa ra dự báo nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP.

Triển vọng này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư.

Theo Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP. Và chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP và dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Các chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tổ chức này cũng cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong 2 tháng đầu năm 2015 xuống mức trung bình 0,6% so với cùng kỳ năm trước do giá lương thực và vận tải đều giảm. Tính cho cả năm, lạm phát dự báo ở mức 2,5%. Lạm phát sẽ tăng tốc nhanh lên 4,0% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng

Về lâu dài, ADB đánh giá Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị doanh nghiệp và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, cũng như khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên