MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng trách doanh nghiệp quá "thờ ơ"

AEC sẽ là sức ép toàn diện với Việt Nam về hội nhập và cạnh tranh trên thị trường nội địa. Bởi chúng ta sản xuất được sản phẩm gì thì các nước ASEAN cũng có những sản phẩm tương tự như vậy với giá cả và sức cạnh tranh tốt hơn.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Theo tiến trình hội nhập, đến ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. ASEAN là một thị trường lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP gần 3.000 tỷ USD/năm hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Thưa bà, tiến trình hội nhập AEC đang đến rất gần. Bà đánh giá thế nào về những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập sâu rộng?

Bà Phạm Chi Lan: Nếu đánh giá về sự sẵn sàng của Việt Nam, tôi đồng ý với nhận định rằng Việt Nam đứng thứ 2, thứ 3 trong khu vực ASEAN về sự sẵng sàng hội nhập khi thực hiện hàng loạt các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, ở Việt Nam có một nghịch lý khi tích cực tự do hoá bên ngoài nhưng lại hạn chế tự do hoá bên trong. Việt Nam giảm một loạt hàng rào thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại dựng lên nhiều loại thuế phí đối với doanh nghiệp trong nước.

Khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân còn gặp nhiều khó khăn, chịu cạnh tranh lớn. Rào cản đối với sự phát triển của các đối tượng này còn nhiều, thậm chí có chiều hướng tăng mà không giảm.

Theo bà, cần có những giải pháp gì để doanh nghiệp có thể thành công khi tham gia AEC?

Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh riêng, xem xét và hoạch định khu vực ASEAN có vai trò thế nào trong chiến lược kinh doanh của mình. Dường như doanh nghiệp Việt đang rất háo hức với thị trường rộng lớn, với TPP, với EU mà quên mất thị trường ASEAN.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần liên kết lại với nhau để có thể tham gia một cách mạnh mẽ hơn, liên kết thông qua hiệp hội, các chuỗi trong nước. Chúng ta đề cập nhiều đến chuỗi giá trị toàn cầu nhưng nếu trong nước không liên kết được với nhau thì từng doanh nghiệp riêng lẻ rất khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, kinh nghiệm thương trường chưa bằng các nước, cũng như chưa có vị trí tốt trong các chuỗi nên cần xây dựng trong nước. Doanh nghiệp muốn tồn tại đã phải làm như vậy, chưa nói đến hội nhập.

Sức ép cạnh tranh khi hội nhập rất lớn, ngay cả ở thị trường nội địa. Có tới 70% doanh nghiệp không tham gia xuất nhập khẩu và chỉ hoạt động trên thị trường nội địa. Nhưng hội nhập, kể cả thị trường nội địa cũng sẽ chịu cạnh tranh gay gắt khi doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào, chứ không phải đi ra ngoài mới có cạnh tranh.

Bà nhận định thế nào về sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa khi AEC được thành lập?

Sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa là rất lớn. TPP cứ nói đến sức ép với ngành chăn nuôi, còn những ngành khác chưa cảm nhận rõ ràng lắm. Nhưng AEC sẽ là sức ép toàn diện với Việt Nam về hội nhập và cạnh tranh trên thị trường nội địa. Bởi chúng ta sản xuất được sản phẩm gì thì các nước ASEAN cũng có những sản phẩm tương tự như vậy với giá cả và sức cạnh tranh tốt hơn.

Chưa kể, ASEAN còn dẫn đến những kênh hội nhập khác như ASEAN + Trung Quốc tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc thâm nhập dễ dàng vào thị trường các nước ASEAN.

Đối với Nhà nước, vai trò của Nhà nước quan trọng hơn doanh nghiệp. Nhà nước cần thực hiện tốt hơn kết nối về thể chế, bởi thể chế hiện nay còn quá nhiều khác biệt so với các nước ASEAN khác, đặc biệt là thể chế đối với các doanh nghiệp nội địa.

Chúng ta đang dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI. Chúng ta luôn nghĩ rằng hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu, đầu tư nhưng xuất khẩu hiện nay 70% là xuất phát từ khối FDI, vậy Việt Nam được gì? Do đó thể chế cần sửa đổi, cần tạo môi trường cho doanh nghiệp nội địa phát triển.

Xét cho cùng, không quốc gia nào có thể phát triển mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài, chúng ta không thể tăng trưởng chỉ dựa vào ngoại lực. Nếu doanh nghiệp trong nước cứ èo uột và suy giảm như thời gian vừa qua thì đất nước rất khó phát triển về lâu về dài.

Dù chúng ta đạt nhiều thành tích về tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng FDI, tăng trưởng GDP nhưng việc lớn nhất phải làm vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Đừng trách doanh nghiệp quá thờ ơ nếu như chúng ta chưa có những chính sách đủ mạnh để hỗ trợ họ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên