MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bán cái này, cái kia… không hẳn vì dự án Long Thành”

Phương án cổ phần hóa Công ty Cảng hàng không, bán Nhà ga T1, Sảnh E sân bay Nội Bài… của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng không hẳn là vì cần tiền để xây sân bay quốc tế Long Thành, mà vì lĩnh vực này đã bị tụt hậu quá xa, cần “làn gió mới” để tăng tốc…

ng Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu, cho rằng mục tiêu của Bộ trưởng Đinh La Thăng không hẳn là bán "cái này", "cái kia" để lấy tiền xây sân bay Long Thành, mà đưa Việt Nam tiếp cận các phương thức đầu tư và quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay tiên tiến của thế giới. Điều này rất quan trọng để phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hạ tầng sân bay nước ta trong thời kỳ mới.

“Chúng ta đã bị tụt hậu khá xa trong lĩnh vực này, cần có một "làn gió mới" về cơ chế, chính sách để tăng tốc. Bản thân dự án sân bay Long Thành, theo ý kiến của tôi, cũng cần nghiên cứu cổ phần hoá, đa dạng hoá sở hữu ngay từ bước dự án”, ông Nam nhận định.

Là tổng giám đốc của một hãng hàng không tư nhân, ông nhìn nhận như thế nào về tiến trình tư nhân “sân chơi" hàng không, kể cả hãng hàng không, thầu sân bay... mà Bộ GTVT đang triển khai?

Tôi đánh giá việc tư nhân đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng không và sắp tới là lĩnh vực sân bay rất quan trọng. Thị trường hàng không Việt Nam đã không thể có sự phát triển mạnh mẽ như trong thời gian qua nếu như không có sự cạnh tranh.

Các sân bay nước ta đã tấp nập máy bay, hành khách hơn rất nhiều. Không chỉ các sân bay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, mà cả các sân bay địa phương cũng đang có số lượng đường bay, chuyến bay hàng ngày ở mức độ mà 10 năm trước rất khó hình dung được.

Bây giờ chúng ta đã thấy thiếu sân bay cho sự phát triển tiếp theo của ngành hàng không. Nhiều sân bay đã và đang quá tải (đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất), cần phải mở rộng, tăng công suất, hoặc xây thêm sân bay mới.

Nhiều địa phương cũng cần có sân bay, đường bay để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ở phía Nam vẫn còn hàng chục sân bay dân dụng có từ trước năm 1975 mà đến nay chưa được khôi phục hoạt động, một số sân bay đã bị "xoá sổ" để xây đô thị.

Tính cả trên dân số và diện tích, số lượng sân bay ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, chưa nói gì đến các khu vực phát triển hơn.

Vì vậy, rất cần có cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Hàng không là ngành dịch vụ. Đã là dịch vụ thì không ở nước nào nhà nước lại có thể cung cấp được đủ nhiều và đủ tốt, trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Theo ông, cơ chế để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào “sân chơi” này là gì?

Tôi nghĩ không cần phải tạo ra những điều kiện gì quá đặc biệt để thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án sân bay. Chỉ cần có cơ chế, thủ tục rõ ràng, thông thoáng, được các cơ quan quản lý thực hiện một cách công tâm, loại bỏ mọi biểu hiện xin-cho. Nhà đầu tư nào không triển khai được dự án sân bay theo cam kết thì nhà nước thu hồi dự án, giao cho người khác.

Lĩnh vực hàng không trong tương lai sẽ như thế nào khi có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, thưa ông?

Đối với nền kinh tế và người tiêu dùng thì chủ trương này chỉ có lợi, khi nước ta sẽ có nhiều sân bay hơn, các sân bay được đầu tư khang trang, hiện đại hơn, được quản lý chuyên nghiệp hơn. Các hãng hàng không nước ta sẽ có nhiều dư địa sân bay để mở rộng mạng đường bay, tăng máy bay.

Lĩnh vực Hàng không chung (General Aviation, gồm các máy bay riêng của cá nhân và doanh nghiệp; máy bay du lịch, y tế; máy bay nông nghiệp, kiểm lâm, kiểm ngư, phòng chữa cháy, kiểm soát giao thông, khảo sát địa chất, khí hậu, nghiên cứu - thực nghiệm khoa học, đào tạo phi công...) ở Việt Nam bị tụt hậu rất xa.

Với chủ trương mới của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các sân bay, bãi đáp chuyên dụng hàng không chung có thể do các doanh nghiệp hàng không chung, các nhà đầu tư tư nhân đầu tư. Trên thế giới, số lượng sân bay, bãi đáp hàng không chung nhiều gấp nhiều lần số lượng sân bay phục vụ hàng không công cộng.

Trung Quốc đã có hơn 300 sân bay hàng không chung. Mỹ có tới 20.000 sân bay hàng không chung, đến mức một thị trấn, một làng cũng có thể có sân bay riêng. Châu Âu và Australia cũng tương tự.

Nói như vậy có nghĩa lĩnh vực hàng không của Việt Nam đang lạc hậu so với các nước?

Trong lĩnh vực đầu tư sân bay, Việt Nam đã lạc hậu so với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, thậm chí so với Lào, là nơi ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai đang xây 2 sân bay, hay so với Campuchia, nơi đã nhượng quyền quản lý, khai thác ba sân bay tại Phnom Penh, Siam Reap và Sihanoukville cho ADP-M (Pháp).

Các sân bay Koh Samui, Sukhothai, Trad ở Thái Lan đều là sân bay tư nhân. Sân bay quốc tế Bắc Kinh có 35% vốn tư nhân, 10% vốn của ADP-M (Pháp), chính phủ Trung Quốc chỉ chiếm 55%. ADP-M chiếm 35% cổ phần của Tập đoàn sân bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại châu Âu và Mỹ, hầu hết các cảng hàng không, sân bay do tư nhân đầu tư và quản lý. Nga cũng đã tư nhân hoá (hoặc nhượng quyền khai thác) hầu hết các sân bay, kể cả sân bay Domededovo tại Moscow mà Vietnam Airlines đang sử dụng.

>>>“Sân bay Long Thành có đáng phải đầu tư ngay?”

Theo MINH HUỆ

PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên