MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán sân bay: Tránh độc quyền mà vẫn phát triển?

Chủ trương xã hội hóa hàng không của Bộ GTVT dù mới manh nha nhưng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đề xuất mua lại quyền khai thác một số sân bay. Bài toán khó làm thế nào để xã hội hóa, tránh độc quyền mà vẫn đảm bảo sự phát triển của hàng không trong tương lai sẽ được các cơ quan chức năng giải đáp ra sao?

Vừa qua, hai hãng hàng không chiếm thị phần lớn trong nước là VietJet Air và Vietnam Airlines đều đề xuất mua lại quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài. Đối với VietJet Air, hiện tại toàn bộ các chuyến bay đến/đi của hãng hàng không này đều làm thủ tục tại sảnh E, khu vực mở rộng của nhà ga T1, song hãng đề xuất Bộ GTVT nhượng lại quyền khai thác toàn bộ nhà ga T1 trong thời hạn 20 năm. Ngay sau đó, Vietnam Airlines cũng trình văn bản xin mua lại toàn quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài (không bao gồm sảnh E) tới Bộ GTVT. Điều này chứng tỏ sức hút của lĩnh vực hàng không đối với khu vực tư nhân.

Bán dứt điểm hay nhượng quyền khai thác?

Liên quan đến việc bán sân bay cho các hãng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Lại Xuân Thanh lý giải, hàng không có đặc thù riêng là hiện nay các sân bay dùng chung giữa dân sự và quân sự, liên quan đến an ninh quốc phòng, nên phải chia ra công trình nào dùng chung, công trình nào không.

“Đường băng là hạng mục mang tính cơ bản, “dính chặt” đến quân sự sẽ được đối xử khác với nhà ga. Tuy đường băng có thể của Nhà nước chuyển cho DN, hoặc DN bỏ vốn, nhưng không thể thoát được tính chất dùng chung. Dịch vụ không lưu, liên quan đến vùng trời thì không bao giờ chuyển giao được, kể cả công tác bảo đảm an ninh hàng không, tìm kiếm cứu nạn cũng vậy. Vì cảng hàng không không chỉ thuần túy là cơ sở hạ tầng kinh doanh mà còn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Cục trưởng Cục hàng không cho hay.

Ông Lại Xuân Thanh cũng bày tỏ sự lo ngại nếu chúng ta nhượng một cảng hàng không, nhưng DN không thích xây dựng thêm vì kinh doanh ăn lãi dòng lợi hơn đầu tư mở rộng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của cả đất nước.

“Nói thế nào thì với tư nhân, mục đích đầu tiên của họ là lợi nhuận và có thể sẽ dẫn đến xung đột lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích xã hội, đất nước. Bài toán ấy chúng tôi đang phải đặt ra khi xây dựng phương án xã hội hóa”, ông Thanh nói.

Vì thế, việc nhượng lại quyền khai thác sân bay phải không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không đang khai thác, phải tránh rơi vào thế độc quyền, cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của hàng không trong tương lai. Đồng thời, ông Lại Xuân Thanh cho biết thêm, cũng có nhiều ý kiến đề xuất nên bán dứt điểm, và một số ý kiến cho rằng chỉ nên nhượng quyền khai thác. Tuy nhiên, Cục Hàng không nghiêng về phương án nhượng quyền khai thác.

T1 (Nội Bài) sẽ bán cho Vietnam Airlines hay VietJet Air?

“Nóng” nhất hiện nay có lẽ là việc nhượng quyền nhà ga T1 Nội Bài khi có 2 hãng hàng không cùng đề xuất Bộ GTVT bán lại quyền khai thác. Ông Lại Xuân Thanh cho hay, nhà ga T1 Nội Bài ban đầu không nằm trong danh mục bán thí điểm mà Bộ GTVT nhắm tới. Tuy vậy, bỗng nhiên 2 hãng hàng không cùng xin mua lại nên Bộ GTVT đã cân nhắc bán thí điểm, trong đó Bộ trưởng Bộ GTVT đã đồng ý bán thí điểm toàn bộ sảnh E cho Vietjet Air.

Theo một số chuyên gia, mặc dù Vietjet Air đề xuất mua T1 trước, nhưng hiện hãng này đang khai thác độc lập ở sảnh E, khu vực nhà ga T1 do Vietnam Airlines và công ty con của hãng này là Jetstar Pacific khai thác. Vì vậy, nếu Bộ GTVT nhượng lại quyền khai thác toàn bộ T1 cho Vietjet Air rất dễ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tại, Vietjet Air chính là đối thủ đáng gờm nhất của Vietnam Airlines khi trong quý I/2015, thị phần hàng không của Vietjet Air đã chiếm 32%, đồng nghĩa với việc thị phần của Vietnam Airlines bị giảm.

Theo thông tin từ ông Lại Xuân Thanh, mặc dù Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) chưa lựa chọn phương án nào, song cũng nghiêng về phương án bán sảnh E cho Vietjet Air, còn nhà ga T1 sẽ nhượng lại cho Vietnam Airlines.

Được biết, việc khai thác tại sảnh E của Vietjet Air đang gặp khó khăn vì đây là phần cơi nới thêm của nhà ga T1 trong khi chờ đợi nhà ga T2 hoàn thành, do đó hạ tầng còn thiếu. Trong trường hợp, Vietjet Air không mua sảnh E thì theo ông Lại Xuân Thanh, Bộ GTVT vẫn nhượng lại quyền khai thác nhà ta T1 (không bao gồm sảnh E) cho Vietnam Airlines.

Trong tháng 3 này, Cục Hàng không sẽ trình Bộ GTVT danh mục, hình thức đầu tư tại các sân bay. Đồng thời, cũng sẽ trình bộ phương án xử lý đối với nhà ga T1 Nội Bài.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang gấp rút xây dựng phương án nhượng quyền thí điểm sân bay Phú Quốc. Sân bay này có 100% vốn đầu tư từ nguồn vốn của ACV, với kinh phí khoảng 230 triệu USD. Sân bay Phú Quốc được Bộ GTVT kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia vì nằm ở vị trí thuận lợi.

>>>Chưa nên bán đứt nhà ga T1 sân bay Nội Bài

Theo Phan Trang

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên