MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn thêm về chuyện "Tổng cầu yếu"

Tranh luận về chuyện liệu tổng cầu yếu hay bình thường vẫn chưa ngã ngũ, với đa phần ý kiến cho rằng tổng cầu yếu.

Sau các bài viết về bức tranh nền kinh tế mới đây, chúng tôi tiếp tục nhận được thêm đóng góp ý kiến của các chuyên gia. TS Phan Minh Ngọc đến từ ngân hàng Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Chi nhánh Singapore cũng đưa ra những ý kiến phản biện về bài viết Điểm sáng không phản ánh toàn bộ bức tranh nền kinh tế đăng ngày 12/9.

TS Ngọc cho rằng, luận điểm thứ nhất là chuyện số liệu về GDP, CPI, tỷ giá hối đoái, thặng dư thương mại, dự trữ ngoại tệ v.v... của Việt Nam (do Việt Nam công bố) có nhiều sai lệch, không đáng tin cậy (so với số liệu của các tổ chức quốc tế) nên không thể dựa vào, chẳng hạn, con số tăng trưởng GDP 5,4% trong nửa đầu năm nay, cao hơn nhiều nước khác, là "điểm sáng kinh tế" và là chỉ biểu cho "tổng cầu không yếu".

Theo TS Ngọc thì lập luận này là không "trúng" vấn đề. Nếu nghi ngờ về chất lượng con số thống kê Việt Nam thì trước tiên phải làm rõ xem chung có độ xác thực thế nào. Nếu đã không phủ định được tính xác thực của con số thống kê Việt Nam thì phải chấp nhận sử dụng chúng. Nếu không, ngay bản thân phái "tổng cầu yếu" cũng không thể đưa ra bất kỳ số liệu nào khác (không do phía cơ quan hữu quan Việt Nam cung cấp) làm căn cứ để lập luận rằng tổng cầu quả thực là yếu ở Việt Nam, ngoài những cảm nhận định tính, mơ hồ, chủ quan.

Luận đểm thứ hai là chuyện "sức mua yếu", coi đó là căn cứ để cho rằng "tổng cầu yếu". Một mặt, tác giả bài viết thừa nhận rằng lạm phát (CPI) tăng thấp không có nghĩa rằng "tổng cầu yếu" và phải tăng giá để kích cầu lên. Mặt khác, lại mặc nhiên cho rằng hiện tổng cầu vẫn yếu, là vấn đề cần chứng minh, và là chủ đề chính của cuộc tranh luận hiện nay (tổng cầu yếu hay không) và chuyển luôn sang vấn đề khác là liệu có "kích" được tổng cầu không khi mà "sức mua thì không hoặc rất yếu".

Bên cạnh đó, tác giả cũng không đưa ra một chỉ biểu định lượng nào cho thấy sức mua rất yếu, ngoài những dẫn chứng định tính, mơ hồ và chủ quan như sản xuất cơ bản vẫn trì trệ (lưu ý thêm rằng sản xuất không đại diện cho tổng cầu), "đầu ra" của nền kinh tế vẫn khó khăn ("đầu ra" nào? Khó khăn như thế nào? Đầu ra nhiều quá thì tiêu thụ ở đâu?...), lao động và việc làm vẫn là điều nhức nhối (cụ thể như thế nào? Tình trạng các nhà máy không tuyển đủ công nhân có phải là điều nhức nhối mà tác giả muốn nói?...).

Trong bài viết đăng ngày 12/9 nêu thêm rằng nhiều ngành như du lịch, thời trang, bất động sản, ẩm thực... ế ấm, hạ giá mà tiêu thụ vẫn khó khăn. Nhưng thực tế ở những ngành này, cung đã (từng) tăng nhanh chóng mặt mà không cầu nào có thể hấp thu được, đặc biệt ở mức giá trên trời như trong bất động sản. Ngoài ra, cứ cho là cầu (hoặc "sức mua" như tác giả lập luận) là yếu trong những ngành này, nhưng còn cầu ở những ngành khác thì sao? Nếu chúng tăng lên với tốc độ mạnh hơn thì chúng vẫn hoàn toàn có thể "vực" tổng cầu lên được cơ mà?

Luận điểm thứ ba là về tính xác thực của các con số như PMI và niềm tin người tiêu dùng do các tổ chức khác trong và ngoài nước công bố. Bên trên, tác giả đặt hoài nghi vào tính xác thực của các con số do (chính phủ) Việt Nam cung cấp như CPI, GDP, tỷ giá, dự trữ ngoại hối... và trong phân này thì tác giả hoài nghi luôn cả những số liệu do các tổ chức phi chính phủ cung cấp. Vậy thì, TS Phan Minh Ngọc đặt câu hỏi: tác giả dùng số liệu gì, của ai để dùng làm căn cứ cho lập luận rằng cầu yếu, sức mua yếu của mình, và tính xác thực cũng như độ tin cậy của những số liệu này như thế nào?

Bài viết có nêu con số tỷ lệ thất nghiệp "quá đẹp" như là một bằng chứng cho việc số liệu không xác thực, nhưng chính tác giả cũng không nêu ra được bằng chứng nào khác để phủ nhận con số đẹp này, ngoài những nhận định chung chung rằng doanh nghiệp vẫn phá sản, giải thể, thất nghiệp vẫn gia tăng đáng lo ngại... Theo TS Ngọc, cần lưu ý thêm rằng có thể số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động lớn hơn số doanh nghiệp mới ra đời, nhưng tự thân điều này không cho biết rằng nền kinh tế khó khăn hơn và thất nghiệp cao hơn, đơn giản vì rất có thể nền kinh tế đang (tự) tái cơ cấu, những doanh nghiệp mới ra đời là những doanh nghiệp lớn hơn về quy mô lao động (thâm dụng lao động nhiều hơn) nên thất nghiệp không nhất thiết tăng lên, và/hoặc các doanh nghiệp mới này là những doanh nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, đóng góp cho GDP nhiều hơn, nên tăng trưởng kinh tế sẽ vì thế mà nhanh hơn.

Nếu muốn chứng minh không phải vậy thì cần đưa ra những số liệu cụ thể để cho thấy nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, khó khăn, chứ không thể chỉ nói một cách chung chung, cảm tính được.

Luận điểm thứ tư dựa trên mức tồn kho lớn và được quy kết không phải là do cung vượt cầu mà do tổng cầu yếu quá. TS Phan Minh Ngọc cho rằng, đáng tiếc là để chứng minh luận điểm này thì tác giả lại dựa vào 2 căn cứ đó là số doanh nghiệp thành lập mới vẫn nhỏ hơn số doanh nghiệp dời bỏ thị trường, và "kích cầu" sai địa chỉ gây hại cho nền kinh tế. Về chuyện thành lập doanh nghiệp mới thì như đã nói ở trên, điều này tự thân nó không nói lên tổng cầu yếu hay khỏe. Còn chuyện "kích cầu" sai địa chỉ gây hại cho nền kinh tế mà ví dụ qua chuyện kích cầu vào các mặt hàng tối thiết yếu và độc quyền (khó có thể lỗ) thì cũng chẳng cho biết thêm gì về tổng cầu quá yếu, nếu không muốn nói ngược lại, vì về nguyên tắc, khi cầu của một nhóm sản phẩm nào đó tăng lên trong khi cầu các nhóm sản phẩm khác giữ nguyên thì tổng cầu phải tăng lên, chứ không thể giảm đi được.

Luận điểm thứ năm là luận điểm mà tác giả đã chỉ đúng một nửa khi nói rằng không nên tán dương quá mức CPI giảm là tốt, là biểu hiện đáng mừng, để rồi tìm cách tăng giá liên tục dưới danh nghĩa "kích cầu" nền kinh tế, gây khó khăn cho người lao động. Đúng vì không được tìm cách tăng giá liên tục làm tăng CPI (lạm phát), gây khó khăn cho người lao động. Sai vì nói như trên là tự mâu thuẫn khi một mặt nói là không được để CPI tăng gây khó khăn cho người lao động, mặt khác lại phủ định tính tích cực của CPI tăng thấp. Và không ai có lý trí lại đề xuất tăng CPI để "kích cầu" cả, kể cả người viết bài này, như tác giả phê phán.

Cuối cùng, trong phần kết luận, tác giả mặc nhiên cho rằng tổng cầu đang rất yếu mặc dù tác giả vẫn chưa chứng minh được tại sao lại kết luận vậy. Đi xa hơn, tác giả đặt vấn đề tại sao tổng cầu yếu mà kích thế kích nữa vẫn không lên nổi. Điều này cũng có thể trả lời một cách rất đơn giản rằng vì tổng cầu thực tế vẫn tăng khả quan, không quá yếu như tác giả nhìn nhận, và bởi vậy có kích thế chứ kích nữa thì tổng cầu cũng không thể tăng mạnh hơn được nhiều khi nó đã gần đến mức bão hòa (tiềm năng)!

>>> Điểm sáng nền kinh tế

>>> Điểm sáng không phản ánh toàn bộ bức tranh nền kinh tế

TS Phan Minh Ngọc

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên