MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn tiếp chuyện làm vệ tinh cho Samsung

Rõ ràng đáng ra chúng ta có lợi nhuận nhiều 40-50% nhưng do công nghiệp hỗ trợ kém nên chỉ được 20-25%. Bị mất lợi nhuận do mình yếu kém thì “đau lắm”.

Xung quanh vấn đề hàng nghìn doanh nghiệp Việt ồ ạt xin làm vệ tinh cho tập đoàn Samsung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Samsung đang đẩy mạnh tìm kiếm linh kiện ốc vít, sạc pin…từ các nhà cung cấp nội địa nhưng không một doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu. Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam có quá tồi tệ, thưa ông?

GS. Nguyễn Mại: Tôi cho rằng phía Samsung đã rất thiện chí bởi việc tìm các nhà cung cấp các linh kiện ở nội địa không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho Samsung. Đối với Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu, lợi nhuận, CNHT phát triển, nguồn thu từ thuế cho nhà nước cũng tăng theo. Còn với Samsung họ được giảm thuế, phí vận chuyến, nhân công giá rẻ…

Tuy nhiên, khi nhận được thông tin này có rất nhiều đã hoài nghi, thậm chí nhiều người còn khẳng định là Việt Nam sẽ không làm được. Điều này là đương nhiên bởi phía Samsung vừa đưa ra, doanh nghiệp biết gì mà làm. Chỉ cần vài tháng nữa thôi tôi chắc chắn có doanh nghiệp đáp ứng được. Thực tế, muốn làm cho các tập đoàn xuyên quốc gia thì phải biết công nghệ, nguồn nhân lực của họ. Tôi tin chắc rằng, hàng chục doanh nghiệp Việt Nam có đủ vốn, khoảng 15 - 20 triệu USD thì có thể làm được.

Về thực trạng, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn phát triển mơ hồ. Ngay từ đầu Thế kỉ 21, Chính Phủ đã có chủ trương phát triển CNHT nhưng sau 14 năm triển khai CNHT ở Việt Nam vẫn mơ hồ chưa định hình được sản phẩm. Nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, da dày, dệt may…vẫn chủ yếu là gia công, lắm ráp…. Việt Nam chưa có các sản phẩm CNHT mũi nhọn từ đó đẩy mạnh đầu tư trở thành thế mạnh. Thêm vào đó các chính sách, chiến lược, mối quan hệ cung cầu…chưa đồng bộ.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến CNHT ở Việt Nam vẫn ì ạch dù đã được chú trọng đầu tư?

GS. Nguyễn Mại: Chúng ta chưa có chiến lược thực sự, mặc dù Chính phủ đã bàn đến vấn đề này từ năm 2001, thành lập hai khu công nghiệp, một là ở Vũng Tàu và một là ở Hải Phòng hợp tác với Nhật Bản. Nhưng loay hoay mãi về chính sách cho nên vẫn chưa hình thành được.

Tuy nhiên, với cơ hội mới này đặc biệt gần đây Chính phủ đã thay đổi về chính sách, Bộ Công thương đang soạn thảo để trình Chính phủ. Điểm cơ bản của chính sách này là công nghệ hỗ trợ cho ngành nào thì được ưu tiên sản phẩm cho ngành đó. Tôi lấy ví dụ, công nghiệp hỗ trợ Samsung sẽ được ưu tiên cho các sản phẩm hỗ trợ cho Samsung hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.

Hơn nữa, quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT đã được Nhà nước tài trợ. Tôi nghĩ rằng các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, nếu có quỹ CNHT thì các địa phương họ sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển rất tốt. Tôi rất tin tưởng về quản lý hay lao động phổ thông của Việt Nam đều có thể làm được hết, vấn đề là chỉ cần có tiền. Ai lên Thái Nguyên hay sang Bắc Ninh đều biết máy móc là của Nhật Bản, của Hàn Quốc, nhưng từ kỹ sư hay công nhân thì đều là người Việt Nam cho nên chỉ cần có công nghệ là chúng ta có thể làm được.

CNHT vẫn ì ạch, vậy xin ông cho biết CNHT ở VN đã đáp ứng được bao nhiêu phần nhu cầu của thị trường trong nước rồi?

GS. Nguyễn Mại: Linh phụ kiện của chúng ta trong sản phẩm công nghiệp chỉ đáp ứng được 25-26% nhu cầu. Còn tại Trung Quốc đã đáp ứng được 50% nhu cầu và Thái Lan là 60% nhu cầu. Như vậy, chúng ta chỉ mới bằng một nửa của người ta.

Đối với một vài ngành mà chúng ta có thế mạnh, ví dụ ngành dệt may thì tôi tin là trong một vài năm nữa hoàn toàn có thể đáp ứng được 60-70%, còn hiện nay chỉ là 40-45% rồi. Rất nhiều xí nghiệp nhuộm, dệt, da giầy có quy mô lớn, nếu được đầu tư thì có thể đáp ứng được thêm.

Đối với sản xuất xe máy, chúng ta đã làm chủ được công nghiệp hỗ trợ, xe máy hiện nay đã có 80-90% là sản xuất trong nước. Ngành ô tô thì ít hơn, nhưng ngành ô tô thì phải đòi hỏi quy mô lớn, nhu cầu 10 vạn ô tô/năm mà chúng ta sản xuất chỉ 3.000-5.000 ô tô/năm thì không thể phát triển được. Mỗi năm phải sản xuất được cả triệu ô tô, quy môlớn thì mới có thể tham gia chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu được.

Được biết ngay sau khi Samsung tuyên bố tuyển các doanh làm ốc vít, sạc pin…thì hàng nghìn các doanh nghiệp Việt ồ ạt xin làm doanh nghiệp vệ tinh? Ông nghĩa sao về điều này?

GS. Nguyễn Mại: Đúng vậy, có hàng nghìn doanh nghiệp muốn tiếp cận Samsung, mong muốn được hợp tác. Đây là xu hướng tất yếu thôi. Hiện nay, có đến 70% thiết bị phụ trợ là Samsung phải nhập từ bên ngoài, 30% là từ Trung Quốc, và nếu Samsung có thể nhập khẩu được từ các doanh nghiệp Việt Nam, với chi phí lao động thấp hơn, giá thành rẻ hơn và chất lượng đảm bảo thì họ sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, và không dại gì họ không làm.

Các doanh nghiệp Việt phải tiếp cận trực tiếp tức là tôi muốn làm cho ông thì ông phải bảo tôi phải làm gì? Tôi thiếu cái gì thì tôi bổ sung cái đấy, sau khi bổ sung mà tôi đáp ứng được thì ông phải chọn tôi.

Những năm qua Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất di động lớn của Samsung với sản lượng 200 triệu chiếc/năm. Tuy vậy, bản thân tôi cũng không biết điện thoại di động hay máy tính bảng là cần những cái gì. Chính vì vậy Samsung phải chỉ rõ anh cần cái gì. Nếu mà chỉ ra được những điều đó thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được, sau đó đối chiếu với thực trạng của doanh nghiệp để cân bằng vốn và có thể đăng ký làm. Hiện nay chúng ta đã có 7 doanh nghiệp, chủ yếu làm bao bì với Samsung.

Theo ông, có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội này từ Samsung?

GS. Nguyễn Mại: Hiện nay chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong tương lai, tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được. Còn doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội này thì tôi cho rằng chỉ khoảng 15-20 doanh nghiệp, và mỗi doanh nghiệp phải đầu tư 15 - 20 triệu USD để làm. Bởi muốn làm được thì máy móc phải rất hiện đại, rất đắt tiền. Tôi nghĩ rằng ở mức 15-20 triệu USD thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có. Họ chỉ cần biết địa chỉ mua máy móc và họ làm được như hiện nay Samsung đang làm ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Còn những DN khác thì phải nhờ Nhà nước hỗ trợ bằng quỹ hỗ trợ 2.000 tỷ mà Thủ tướng đã quyết định thành lập và quỹ hỗ trợ các địa phương. Chúng ta đang có khoản hỗ trợ cho ngư dân 10.000 tỷ tín dụng và 16.000 tỷ của Nhà nước, vậy tại sao không có quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ - một ngành công nghiệp rất quan trọng của đất nước?

Ông vừa nói tại sao Việt Nam không có quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ, ông đánh giá như thế nào về hệ thống chính sách của nhà nước cho ngành này?

GS. Nguyễn Mại: Chính sách của Chính phủ là cực kỳ quan trọng. Nếu không có chính sách thì doanh nghiệp không thể nào phát triển được. Tuy nhiên, sự thay đổi chính mình của doanh nghiệp vẫn mang tính quyết định. Nếu doanh nghiệp không có ý chí vươn lên thì cũng không thể làm gì được. Tôi được biết rất nhiều DN của chúng ta hiện nay dựa vào đất đai và BĐS, nên vừa qua BĐS chết đã kéo nhiều doanh nghiệp chết theo. Còn doanh nghiệp làm công nghệ như Samsung, LG, Canon... vẫn còn rất ít nên Chính Phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Nếu có ý thức phát triển thì doanh nghiệp chúng ta sẽ làm được.

Danh mục yêu cầu của Samsung đưa ra rất khắt khe. Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt?

GS. Nguyễn Mại: Tôi không thể đưa ra được lời khuyên cụ thể nhưng tôi tin rằng các doanh nghiệp mong muốn hợp tác với Samsung là họ đã muốn vươn lên tham gia vào chuỗi cung cấp linh kiện toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành đừng có làm thay doanh nghiệp, đừng khuyên doanh nghiệp phải làm gì. Họ có tiền, họ có sự lựa chọn và họ đủ thông minh để biết rằng mình nên làm cái gì.

Xin cám ơn ông!

Phải có chiến lược dài hạn

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Danh Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng việc các doanh nghiệp Việt ồ ạt xin làm doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung là tín hiệu tốt. “Tôi đánh giá cao việc này bởi nó thể hiện sự vươn lên, thay đổi chính mình để tham gia các chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu”, ông Nguyên nói. Theo ông Nguyên để làm được điều này các doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn, tư duy sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giá thành cạnh tranh. Phát triển nhanh nhưng phải trong khuôn khổ, chính sách quản lý của Nhà nước. Nếu ồ ạt phát triển mà không gắn liền với nhu cầu thị trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế, tồn kho lớn khi ấy sẽ xảy ra, Nhà nước có vai trò tìm kiếm thị trường khác không chỉ bó hẹp mình Samsung, doanh nghiệp phải lập chiến lược cho chính mình sản xuất theo cung cầu của thị trường.



bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên