MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao nhiêu ngành nghề sẽ bị cấm kinh doanh?

“Quy định lờ mờ tôi thấy rất sợ!”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét về các quy định cấm kinh doanh ở dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tăng tới 40 điều so với Luật Doanh nghiệp hiện hành, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận chiều 21/4 có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau gần 8 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ một số khiếm khuyết, trở thành nguyên nhân làm cho gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường ở Việt Nam trở nên phức tạp và tốn kém hơn mức cần thiết, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Quy định lờ mờ

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu tại phiên thảo luận còn nhiều băn khoăn về các quy định cấm kinh doanh ở dự thảo luật sửa đổi. Khi mà, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm là nội dung đã được hiến định tại điều 33 của Hiến pháp.

Tuy nhiên, khoản 3 điều 7 của dự thảo luật quy định: “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”.

“Trời đất ơi, thế này thì cấm tuốt còn đâu nữa, chặt quá, có cái ngành nào mà không liên quan đến truyền thống lịch sử, thế là cấm hết à, quy định lờ mờ tôi thấy rất sợ!”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.

Theo ông thì có thể luật chỉ quy định nguyên tắc, sau đó nghị định sẽ cụ thể hóa, nhưng ít nhất là cái tên ngành cấm kinh doanh cũng phải đưa vào dự thảo. Ông nhấn mạnh luật phải làm sao cho minh bạch để khi ban hành rồi thì mọi người yên tâm phấn khởi làm ăn.

Đảm bảo quyền làm ăn nhưng tuân thủ pháp luật cũng phải đảm bảo, Chủ tịch lưu ý.

Cấm sở hữu chéo

Với nội dung sửa đổi ở chương 8 về nhóm công ty, dự thảo luật đã xác định rõ ràng hơn khái niệm tập đoàn kinh tế. Theo đó, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Dự thảo luật còn bổ sung quy định về nhóm công ty mẹ - công ty con, cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Khái niệm doanh nghiệp xã hội cũng được bổ sung để quy định và thừa nhận về pháp lý sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp này như một phương thức mới, bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội.

Với doanh nghiệp tư nhân, dự thảo luật xác định rõ hạn chế đối với chủ doanh nghiệp, không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo luật đã tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Việc thành lập doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn với sự đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội...

Một trong những vấn đề đáng chú ý là dự thảo đã bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp nhà nước.

Dự thảo quy định, ngoài yêu cầu công khai hóa thông tin như một doanh nghiệp thông thường, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu phải công khai hóa thông tin theo hai chế độ là định kỳ và bất thường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến tại cơ quan này đề nghị không nên có chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước. Vì, số lượng, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm dần theo chủ trương chung về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác việc thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp nhà nước cũng phải tuân thủ như tất cả các doanh nghiệp khác để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế.

Các ý kiến này đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước để chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật. Còn các nội dung khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật cần cân nhắc đưa vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các luật khác có liên quan, bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, hợp lý và khả thi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng rất cần có một chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước.

Vào kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu và thông qua vào kỳ họp thứ 8.

Theo Nguyễn Lê

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên