MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bế tắc cổ phần hóa các công ty chè, Bộ NN&PTNT cầu cứu Chính phủ

Công tác định giá tài sản không thuận lợi, không được doanh nghiệp chấp nhận do vướng mắc bởi một số quy định cũ khiến giá trị vốn nhà nước tăng khống, sai khác với vốn thực.

Nguồn tin từ Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ này vừa trình công văn lên Thủ tướng Chính phủ xin gỡ vướng một số khâu trong công tác cổ phần hóa của các doanh nghiệp trực thuộc ngành.

Nổi cộm nhất trong công tác cổ phần hóa các DN nông nghiệp hiện nay là việc liên quan đến cổ phần hóa các công ty, các dự án ngành chè.

Theo trích dẫn của Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1975/VPCP-KTTH ngày 13/3/2013 về việc xử lý vốn vay ODA Ấn Độ cho các doanh nghiệp chè.

Để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp (cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành chè) có vốn vay ODA, Bộ đề nghị Thủ tướng cần có cơ chế, chính sách xử lý đối với các khoản vay vốn ODA đã đầu tư vào các dự án ngành chè không có khả năng thu hồi vốn để trả nợ nước ngoài.

Cũng liên quan đến các doanh nghiệp ngành chè; về xác định giá trị vườn chè của các doanh nghiệp đã giao khoán theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/CP để cổ phần hóa, Bộ cho hay:

Theo hợp đồng giao khoán, khi người nhận khoán trả hết giá trị vườn chè và giá trị khoán, thì vườn chè thuộc về người nhận khoán (thời hạn nhận khoán kéo dài từ 20-50 năm); nhưng trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp (nông trường) vẫn theo dõi giá trị vườn chè đã hết khấu hao giá trị.

Vì vậy, theo quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa vẫn phải đánh giá lại giá trị vườn chè còn lại mức thấp nhất là 20% nguyên giá, làm cho giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng khống, do đó các doanh nghiệp ngành chè không chấp nhận. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp có vườn chè rơi vào bế tắc, gặp rất nhiều khó khăn, không thực hiện được. 

Bộ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để có cơ chế phù hợp hơn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp chè để thuận lợi cổ phần hóa.

Một vấn đề khác liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa cũng được Bộ NN&PTNT trình bày với Thủ tướng.

Đó là theo quy định tại Nghị định 59/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa, thì giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn được định giá lại theo giá thị trường và hạch toán tăng (giảm) vốn nhà nước.

Nhưng khi xác định giá trị vốn nhà nước để bàn giao cho công ty cổ phần thì giá trị các khoản đầu tư dài hạn nêu trên tăng hoặc giảm thì không được tăng hoặc giảm vốn nhà nước mà phải hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định như vậy, theo Bộ NN&PTNT là không thống nhất làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phản ánh đúng thực chất năng lực điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (nếu doanh nghiệp thua lỗ).

Bộ đề nghị Chính phủ sửa lại Nghị định cho phép giá trị các khoản đầu tư dài hạn nêu trên tăng hoặc giảm thì được hạch toán tăng hoặc giảm vốn nhà nước.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên