MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bloomberg: Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách

Bloomberg vừa có bài viết nhận định với kết quả bầu các lãnh đạo sau Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các cải cách kinh tế nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong 9 năm.

Bài báo dẫn lời ông Lê Hoài Trung – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XII – cho biết các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục “cải cách và hiện đại hóa ngành tài chính ngân hàng”, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nâng cấp cơ sở hạ tầng".

“Thông điệp ở đây là Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế mặc dù biết rằng còn nhiều thách thức”, ông nói với báo chí ngày 28/1, sau phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. “Cải cách đã mang lại những kết quả có tính chất lịch sử và rất đáng kể, bởi vậy chúng ta sẽ tiếp tục cải cách. Đó cũng là nguyện vọng của người dân”.

Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ đạt 6,7% trong năm nay, và sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Lực cầu nội địa gia tăng cũng như lượng vốn FDI chảy vào mạnh đang giúp Việt Nam có thể đối phó với những mối đe dọa đến từ kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn những “đám mây” bao phủ bức tranh kinh tế như thâm hụt thương mại, gánh nặng nợ công ngày càng tăng và năm ngoái mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN đã không đạt được.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo “quá trình cải cách kinh tế vẫn diễn ra chậm” trong khi thâm hụt ngân sách cao đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ ước tính tháng 1 năm nay Việt Nam có mức nhập siêu là 200 triệu USD, sau khi ghi nhận mức 3,5 tỷ USD cho cả năm 2015. Trong 5 năm qua nợ công đã tăng liên tục.

Trong kỳ Đại hội XII, một số nhà lãnh đạo trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên lo ngại về nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2011–2015, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 5,9%, thấp hơn mức mục tiêu 6,5–7% mà Chính phủ đã đề ra.

Ngày 26/1, Đại hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, trong đó kêu gọi hỗ trợ khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho khu vực này được tiếp cận công bằng hơn tới vốn, đất đai và các nguồn tài nguyên khác.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, đối với bất kỳ quốc gia nào cổ phần hóa cũng luôn là một quá trình đầy gian nan. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc tăng số lượng cũng như phạm vi mà DNNN được cổ phần hóa và sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình này.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% trong 5 năm tới và GDP bình quân đầu người chạm mốc 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020. Theo ước tính của IMF, con số hiện đang ở mức khoảng 2.170 USD. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, theo IMF.

Theo Andrew Fennell, chuyên gia phụ trách xếp hạng của khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, Việt Nam đang đi theo mô hình ra quyết định đồng thuận và do đó những thay đổi về nhân sự sẽ không thể ngay lập tức làm thay đổi phương hướng chính sách. Chuyên gia này nhận định cam kết cải cách tập trung vào ổn định vĩ mô và tự do hóa thị trường vẫn sẽ là những yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến triển vọng nền kinh tế vĩ mô.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên