MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công thương: CPI tăng thấp không phải do sức mua yếu mà nhờ chính sách

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, do chúng ta đã quen với các con số cao, ví dụ như GDP phải tăng 8, 9, 10%, sức mua phải tăng 20, 30, 40%... nên cho rằng sức mua thời gian qua tăng thấp.

Tại buổi họp báo của Bộ Công thương, một câu hỏi được đặt ra: “CPI tháng 2/2014 ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó có yếu tố sức mua giảm. Giải pháp kích cầu của ngành công thương sắp tới như thế nào?”

Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến ngành Công thương, mà còn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Trước hết, giải thích về sự sụt giảm sức mua, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, câu chuyện mà nhiều người đã đặt ra trước và sau Tết là năm nay, do sức mua thấp nên cần có biện pháp kích cầu.

Tuy nhiên, “Nhận định sức mua tăng hay giảm phải so sánh với cái gì? Sức mua thể hiện ở tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và sử dụng dịch vụ xã hội. Trong 2 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và sử dụng dịch vụ xã hội tăng 11,6%, loại trừ yếu tố giá thì là tăng 6,2%. Như vậy so với cùng kỳ, sức mua thực đã tăng.” – ông Quyền giải thích.

Nếu phân tích sâu hơn, toàn bộ hoạt động mua sắm cho Tết Giáp ngọ rơi vào tháng 1/2014, so với tháng 01/2013 là không vào dịp Tết này, sau khi loại yếu tố giá thì sức mua tăng 72%. Tháng 01/2013 so với tháng 01/2012 thì sức mua tăng hơn 22%.

Như vậy, cùng sức mua trong dịp tết của năm nay đã tăng gấp 3 lần năm trước. Cộng dồn lũy kế 2 tháng (tháng 1, tháng 2) tức trước, trong và sau tết thì sau khi loại trừ yếu tố giá, sức mua tăng 6,32%. Cùng kỳ tăng 4,27%.

“Chúng ta đã quen với các con số cao, ví dụ như GDP phải tăng 8, 9, 10%, sức mua phải tăng 20, 30, 40%... nên có thể nói là mức tăng trên không đúng với kỳ vọng. Nhưng với con số như vậy, theo quan điểm của chúng tôi thì sức mua trong Tết là có tăng.”

Có điều tại sao sức mua tăng được như thế mà CPI không tăng nhiều?

Lý giải cho việc này, ông Võ Văn Quyền nêu ra một khái niệm trong kinh tế học, đó là lạm phát cơ bản – chỉ số lạm phát được tính sau khi loại trừ các yếu tố giá tác động đến một số nhóm đặc biệt, như nhóm thực phẩm, năng lượng…

Về chỉ số lạm phát của Việt Nam, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá của các Nhóm lương thực thực phẩm, nhóm điện nước chất đốt, xăng dầu thì lạm phát cơ bản chỉ khoảng 2,45%. Loại trừ cả các yếu tố tăng giá đột biến của nhóm thuốc, dịch vụ y tế thì lạm phát chỉ 1,35%.

“Khác với mọi năm, chúng ta quen với việc trước tết đương nhiên phải tăng giá, sau tết có giảm chăng nữa thì cũng sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Thế nhưng năm nay mặt bằng giá mới không bị thiết lập. Đây là vấn đề liên quan đến các giải pháp vĩ mô mà đặc biệt là chính sách bình ổn giá.” – ông Quyền kết luận.

Như vậy, theo lý giải này, thực tế sức mua trong dịp Tết là tăng chứ không phải là giảm và CPI không tăng cao, không phải do sức mua yếu, mà là nhờ các chính sách vĩ mô của Chính phủ.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên