MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương đề xuất hàng hóa được tạm nhập qua cửa khẩu phụ

Trước mắt chỉ cho phép hàng hóa là nguyên nhiên liệu sản xuất (phân bón, than củi, quặng, hợp kim…) được tái xuất qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan.

Theo phản ánh của các Ủy ban nhân dân các tỉnh Bộ Công Thương nhận được, hoạt động tạm nhập hàng hóa từ Trung Quốc để tái xuất sang nước thứ ba (thường là qua cảng Hải Phòng) là nhu cầu khá phổ biến tại các tỉnh biên giới giới phía Bắc. Các mặt hàng tạm nhập, tái xuất theo hình thức này thường là khoáng sản, hợp kim, một số nguyên nhiên liệu như than, củi, phân bón…

Thực tế kinh doanh tạm nhập, tái xuất thời gian qua cho thấy, tương tự như việc tái xuất hàng hóa, tại các tỉnh biên giới phía Bắc, doanh nghiệp gần như không thể thực hiện việc tạm nhập qua cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế mà chỉ có thể thực hiện tạm nhập qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan. Trong khi đó, trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu các mặt hàng này sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba sẽ phải nộp thuế khi nhập khẩu và chỉ được hoàn thuế khi xuất khẩu, đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương cho rằng, việc cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương các tỉnh biên giới, góp phần tạo công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, việc cho phép này cần thực hiện trên những nguyên tắc chặt chẽ để đảm bảo yêu cầu quản lý, ngăn chặn thẩm lậu, gian lận thương mại đồng thời tính đến những vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Do vậy, Bộ Công Thương đã có công văn 10634/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, có thể xem xét cho phép tạm nhập qua một số cửa khẩu phụ, điểm thông quan đã có đủ điều kiện để tạm nhập hàng hóa đối với một số mặt hàng thuộc nhóm kinh doanh tạm nhập, tái xuất không có điều kiện, các địa phương thực sự có nhu cầu và thực hiện theo những nguyên tắc quản lý chặt chẽ.

Cụ thể, về cửa khẩu, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới thống nhất với Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đủ lực lượng kiểm soát chuyên ngành theo quy định, đủ điều kiện để tạm nhập hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Ủy ban nhân dân các tỉnh công bố các cửa khẩu, điểm thông quan này đến Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan để phối hợp.

Về diện mặt hàng được phép tạm nhập, Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan và công bố những mặt hàng được phép tạm nhập qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan mà Ủy ban nhân dân các tỉnh đã công bố.

Trước mắt chỉ cho phép hàng hóa là nguyên nhiên liệu sản xuất (phân bón, than củi, quặng, hợp kim…), đây là những mặt hàng thực tế thời gian qua các doanh nghiệp vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất từ Trung Quốc. Những mặt hàng này hiện thuộc diện kinh doanh tạm nhập, tái xuất không có điều kiện. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế và đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới, Bộ Công Thương xem xét việc công bố mở rộng diện mặt hàng (khi cần thiết).

Trước khi Bộ Công Thương có đề xuất trên, phía Bộ Tài chính đề nghị chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cho phép tạm nhập hàng hóa qua các cửa khẩu phụ điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu vì các nội dung đề xuất về cửa khẩu, mặt hàng của Bộ Công Thương chỉ phù hợp với thực tế phía Bắc, chưa có sự đánh giá, xem xét đối với các địa bàn khác.

Mặt khác, trong giai đoạn mối quan hệ với Trung Quốc hết sức nhạy cảm, công tác phòng chống buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc vào nội địa vẫn gặp khó khăn thì việc cho phép hàng tạm nhập qua các địa điểm này cần phải hết sức thận trọng.

Theo Phan Thu

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên