MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Giao thông giải thích về phí lưu hành phương tiện

Qua việc thu phí lưu hành phương tiện hàng năm đối với ôtô là 20-50 triệu đồng, môtô là 500.000-1.000.000 đồng, Bộ Giao thông Vận tải hy vọng sẽ hướng người dân sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng.

Ngày 10/1, trước thông tin trái chiều về đề xuất phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Bộ Giao thông Vận tải ra thông cáo báo chí.

Chánh văn phòng Bộ Nguyễn Văn Công cho hay, những năm qua dù có nhiều biện pháp cụ thể giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp và số người chết do tai nạn vẫn ở mức rất cao. Bình quân mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và gần 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông.

Nguyên nhân là sự gia tăng quá nhanh về phương tiện (đặc biệt là xe cá nhân) làm tăng mật độ phương tiện tham gia giao thông, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Chính phủ kiến nghị với Quốc hội hàng loạt giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí theo hướng bổ sung nội dung thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí giao thông lưu hành vào trung tâm thành phố.

Sau khi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định thu 2 loại phí này, cuối năm 2011 Bộ đề nghị Chính phủ giao các cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Giao thông, mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ hàng năm đối với ôtô là 20-50 triệu đồng, môtô là 500.000 đồng - 1 triệu đồng, dung tích xi lanh càng lớn phí càng cao. Phí lưu hành xe máy trước mắt chỉ áp dụng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

Còn phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm áp dụng với ôtô các loại (trừ xe công và xe buýt) trong giờ cao điểm (6h-8h30; 16h-19h), dự kiến 30.000 đồng với xe dưới 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại xe còn lại. Trước mắt sẽ thí điểm ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng bằng các trạm thu phí thông minh (tự động, không dừng).

Ảnh: Tiến Dũng.
Trạm thu phí tự động tại Singapore. Ảnh: Tiến Dũng.

Theo Chánh văn phòng Công, việc thu hai loại phí trên nhằm đưa ra những giải pháp kinh tế cụ thể, kiềm chế sự gia tăng, giảm dần số lượng phương tiện cá nhân; giảm mật độ phương tiện tại các thành phố lớn (đặc biệt khu trung tâm), giảm dần ùn tắc và tai nạn giao thông. Dự kiến, mỗi năm phí lưu hành phương tiện với ôtô mang lại khoảng 15.000 tỷ đồng, tạo thêm nguồn thu đáng kể chi cho các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đồng thời, việc này sẽ làm tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân, hướng người dân tới sử dụng các loại phương tiện công cộng. Khi đề xuất này được triển khai, ùn tắc giao thông được cải thiện thì chính người dân sẽ được hưởng lợi do tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và giảm hao mòn phương tiện.

Đại diện Bộ Giao thông cho hay, khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân có thể triển khai sớm. Còn thời điểm cụ thể áp dụng thu phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở nghị quyết của HĐND cho phù hợp.

Theo Tiến Dũng

VnExpress

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên