MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT bác "ý tưởng lạ" xây cảng 30.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức lên tiếng “bác” đề xuất phương án xây dựng Cảng Lạch Huyện của Công ty TNHH Sơn Trường, cho rằng đề xuất này mới chỉ dừng lại ở ý tưởng và không có tính khả thi.

Theo Bộ GTVT, sau khi Công ty TNHH Sơn Trường đề xuất xây dựng cảng ngoài khơi tại độ sâu -16m trở ra và xây dựng đường - cầu dẫn nối cảng với bờ, bố trí hệ thống kho bãi gần bờ, Bộ GTVT đã tổ chức 2 cuộc họp, có mời đại diện các đơn vị tư vấn chuyên ngành, Hội Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa Việt Nam để làm việc với công ty này.
 
Các đại biểu dự họp đều đã có ý kiến xác định rõ phương án của Công ty mới dừng ở bước ý tưởng; tài liệu của Công ty cung cấp chưa được lập bởi đơn vị, cá nhân có tư cách hành nghề tư vấn chuyên ngành; không được thực hiện theo quy trình, quy phạm chuyên ngành và quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; không có cơ sở đảm bảo tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật.
 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các đơn vị tư vấn chuyên ngành công trình cảng biển và hàng hải, Bộ GTVT đã có đánh giá các tồn tại cơ bản của phương án do Công ty TNHH Sơn Trường đề xuất, trong đó thiếu tính khả thi về mặt kỹ thuật của dự án như: xây dựng cảng dạng đảo, ngoài khơi tại khu vực biển hở, điều kiện sóng, gió, bão, dòng chảy khắc nghiệt, không được che chắn, có địa chất yếu, tại cao độ đáy -16m là dạng công trình đặc biệt khó khăn.

Bộ GTVT khẳng định, thực tế ở Việt Nam chưa có công trình cảng nào có quy mô tương tự (kể cả công trình gần bờ là công trình có những điều kiện dễ triển khai thực hiện hơn công trình dạng đảo ngoài biển hở như đề xuất của Công ty TNHH Sơn Trường).

Về điều kiện khai thác cảng: Việc đầu tư xây dựng cảng ngoài khơi, xa bờ, không có công trình che chắn (trong điều kiện sóng, gió bão các hướng khắc nghiệt của khu vực, vấn đề sóng khúc xạ, nhiễu xạ, ...), không đảm bảo điều kiện khai thác cảng an toàn, ổn định. Không tàu nào đi tuyến biển xa có thể chấp nhận đưa một cảng như vậy vào tuyến vận tải. Ngoài ra, việc xây dựng cảng xa bờ cũng tạo rất nhiều khó khăn và kinh phí vận tải chuyển tiếp trong bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa và hình thành hệ thống dịch vụ logistic sau cảng;

Chi phí cho việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng ngoài khơi với điều kiện khó khăn như trên cùng với hệ thống đường - cầu dẫn dài đến 20 km nối với bờ, hệ thống kho bãi trong bờ như đề xuất của Công ty TNHH Sơn Trương đòi hỏi kinh phí vô cùng lớn, nếu cố gắng thực hiện để vượt qua những khó khăn về kỹ thuật nêu trên thì kinh phí lớn hơn rất nhiều so với phương án xây dựng cảng liền bờ;

Về đánh giá của Công ty TNHH Sơn Trường đối với ưu điểm không phải nạo vét: Việc xây dựng cảng xa bờ tại độ sâu -16m trở ra có thể không phải thực hiện khối lượng nạo vét cơ bản khi bắt đầu xây dựng cảng. Tuy nhiên việc hình thành hệ thống công trình ngoài cửa sông như vậy vô hình trung tạo thành một tuyến đê chặn cửa sông.
 
Quá trình hoạt động khai thác cảng, bùn, cát từ cửa sông chuyển ra và bùn, cát dịch chuyển do sóng, gió, dòng chảy sẽ tụ lại tại đây nên sau khi xây dựng, cảng sẽ nhanh chóng bị sa bồi. Ngoài ra, toàn bộ chế độ thủy thạch động lực học vùng cửa sông sẽ bị thay đổi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển khu vực và gây sa bồi luồng tàu vào toàn bộ hệ thống cảng hiệu hữu khu vực Hải Phòng (bao gồm cả Lạch Huyện, Đình Vũ, Bạch Đằng, Sông Cấm).

Thực chất, trong quá trình nghiên cứu các phương án xây dựng cảng cửa ngõ cho khu vực phía Bắc, giai đoạn đầu tiên đã từng đặt vấn đề nghiên cứu phương án xây dựng cảng phía xa bờ với quy mô và phương án đề xuất, tính toán nghiêm túc và có tính khả thi cao hơn so với phương án do Công ty TNHH Sơn Trường đề xuất. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, so sánh, đơn vị tư vấn chuyên ngành cũng đã loại bỏ phương án này.

Hiện nay, trên thế giới cũng không có hình mẫu nào thực sự thành công về việc xây dựng cảng đảo với phương án kỹ thuật và kinh phí đầu tư như đề xuất của Công ty TNHH Sơn Trường (kể cả cảng Dương Sơn - Trung Quốc mà Công ty nêu trong một số tài liệu gửi Bộ Giao thông vận tải, kinh phí đầu tư cũng vô cùng lớn và đã có sẵn mặt bằng đảo, chỉ thực hiện trong trường hợp không thể xây dựng cảng gần bờ).

Được biết, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp được đầu tư đồng bộ và hiện đại có khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn từ 4000 - 6000 TEU và lên đến 8.000 TEU trong các giai đoạn sau của Dự án (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam; thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai. Cơ sở hạ tầng cảng được thực hiện với mục tiêu phục vụ phát triển hệ thống cảng hoàn chỉnh về lâu dài gồm nhiều cầu cảng tại Lạch Huyện cũng như các bến cảng Đình Vũ, Bạch Đằng, Sông Cấm, Sông Chanh.
 
Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng cảng Lạch Huyện với tổng mức đầu tư khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo Quỳnh Anh

Dantri

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên