MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: Cứ tâm lý trông chờ vào Nhà nước thì nợ công sẽ vượt trần

Nợ công tăng nhanh chủ yếu là do phát hành trái phiếu Chính phủ đã tăng mạnh tới 3,5 lần trong năm 2015.

Báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 7/3/2016 cho biết cho biết chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP) chủ yếu là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh.

Trong khi đó, chủ nhiệm ủy ban ngân sách Phùng Quốc Hiển thì cho rằng các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP. Tình trạng dư nợ Chính phủ đã vượt trần cho phép 0,3% GDP đã đặt ra nhiều quan ngại về mức độ an toàn nợ công của Việt Nam cũng như các giải pháp xử lý.

Thực sự đang quan ngại về nợ công

Tuy nhiên, giải thích về mức vượt trần của nợ Chính phủ, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết do GDP thực tế thực hiện năm 2015 giảm mạnh so với số đã dự báo tháng 10/2015 là 291,1 nghìn tỷ đồng (4.484 nghìn tỷ đồng so với 4.193 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra là việc bổ sung 30 nghìn tỷ đồng kế hoạch giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2015 theo Nghị quyết số 99/2015/ QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của quản lý nợ công là kiểm soát độ an toàn của nợ công. Thực tế thì hầu hết các quốc gia đều đặt ra các chỉ tiêu giới hạn về trần nợ công để kiểm soát tính bền vững của nợ công.

Do đó, việc giữ các chỉ tiêu nợ công trong mức trần cho phép là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất trong an toàn nợ công phụ thuộc vào tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn từ các khoản nợ công; khả năng trả nợ từ chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường.

Trước lo ngại được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đặt ra, là có khả năng chỉ tiêu nợ công trên GDP sẽ vượt trần trong các năm 2016-2017, ông Hùng cho rằng nếu giữ mức đầu tư như giai đoạn 2011-2015, vẫn tập trung đẩy mạnh đầu tư từ phía nhà nước, vẫn còn tâm lý dựa vào nhà nước mà không cần nhắc đến bối cảnh hiện tại và với tình hình cân đối ngân sách như giai đoạn vừa qua, thì việc nợ công vượt trần là có thể xảy ra, dẫn đến các rủi ro an toàn nợ công.

Phát hành trái phiếu Chính phủ là thủ phạm làm tăng nợ công

Do đó, để nợ công không vượt trần cho phép thì phải triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm trước hết là tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay các nguồn vốn từ các khoản nợ công theo quy định; thứ hai là khả năng trả nợ của chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng từ thị trường.

Ông Hùng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, việc tập trung tăng huy động vốn vay rất lớn từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2015 tăng gần 3,5 lần. Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ Chính phủ, nợ công tăng nhanh.

Thực tế này cũng dẫn đến khó khăn là, mức bố trí trả nợ so với tổng thu ngân sách tăng từ 13% đầu giai đoạn lên hơn 16%, phát sinh nhu cầu vay mới để thanh toán một phần nợ gốc đến hạn. Trong khi thị trường vốn trong nước chưa thực sự phát triển, trước áp lực huy động vốn lớn đã dẫn đến phải huy động vốn ngắn hạn (03 năm) trong những năm 2011-2013 và tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015-2017.

Đồng thời, cần phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn nợ công, giữ các chỉ tiêu nợ trong giới hạn trần cho phép. Trên cơ sở là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu; Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa; Kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách theo lộ trình được phê duyệt và ưu tiên bố trí ngân sách trả nợ.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên