MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vốn Nhà nước ở doanh nghiệp còn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng

Từ năm 2000 đến nay mới chỉ bán được khoảng 5% vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, tương đương khoảng 55.000 – 57.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhiều doanh nghiệp được bán nhưng quy mô rất thấp.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết hiện cơ chế, chính sách đang tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.

Theo đó, với hoạt động này Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc trình Quốc hội, Chính phủ các văn bản pháp luật liên quan tới quản lý DNNN, cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng với Chính phủ, các địa phương để đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu DNNN; định kỳ báo cáo với Quốc hội và Chỉnh phủ về hoạt động này.

Chỉ khoảng 5% vốn được bán

Hiện Bộ Tài chính đã xây dựng đồng bộ các chính sách liên quan như ban hành Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước; trình Chính phủ 4 Nghị định về quản lý và giám sát tài chính của DN; tham mưu Chính phủ ban hành 4 Nghị định và 2 quyết định về cổ phần hóa DNNN; hai quyết định về thoái vốn.

Kế hoạch giai đoạn 2011-2015, sẽ cổ phần hóa 538 DN, giai đoạn 2014 - 2016 cổ phần hóa 432 DN. Tuy nhiên, theo thông tin được Bộ trưởng Dũng đưa ra, giai đoạn 2011 - 2013 mới cổ phần hóa được 106 DN, riêng năm 2014 là 143 DN và tính đến 10/11/2015 cổ phần hóa được 159 DN.

“Tổng hợp từ năm 2011 đến 10/11/2015 chúng ta đã thực hiện CPH được 408/538 DN, đạt 76% kế hoạch của cả giai đoạn. Dự kiến hết năm 2015, chúng ta sẽ thực hiện được 210 DN. Như vậy số DN được CPH trong cả giai đoạn lên 459/DN, đạt 90% kế hoạch của cả giai đoạn 2011 -2015”, Bộ trưởng Dũng thông tin.

Giai đoạn 2011 - 2015 đã bán phần vốn nhà nước được 27.000 tỷ đồng, thu về 35.169 tỷ đồng, tăng lên 8.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với 27.000 tỷ đồng vốn nhà nước, thì số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chỉ bán được khoảng 2,1%.

Bộ trưởng thông tin thêm: “Qua tổng kết sơ bộ, từ năm 2000 đến nay, chúng ta mới bán được 5%, tương đương 55.000 - 57.000 tỷ đồng. Chúng ta làm rất được nhiều việc trong cổ phần hóa, thoái vốn, bán nhiều doanh nghiệp nhưng quy mô rất thấp. Như vậy, chúng ta còn rất nhiều vốn ở DN, khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỷ đồng”.

"Việc thoái vốn phải có trật tự"

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng thì hiện thị trường tài chính chưa phát triển, nên việc thoái vốn phải có trật tự, bởi nếu bán không cẩn thận sẽ làm thất thoát tiền nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán, như mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài,…

“Cần phải thực hiện từng bước. Chúng ta thấy rất sốt ruột nhưng không đáng vội, phải đảm bảo nguyên tắc để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Do đó, trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan tới cổ phần hóa. Tiếp tục rà soát lại, phân loại DN; hoàn chỉnh, bổ sung chức năng của các bộ, ngành, các tổng công ty ở các địa phương có sở hữu và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Thực hiện đồng bộ tái cơ cấu thị trường tài chính để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, trong đó có tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa DNNN.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên