MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ TTTT: Tăng giá cước 3G là việc bình thường

3 nhà mạng lớn đều của Nhà nước nên tăng giá cước là tăng đóng góp cho NN.

Phiên chất vấn chiều ngày 20/11/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son đã lên "ghế nóng".

Đem theo những thắc mắc của cử tri về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp viễn thông và động thái mới nhất của các DN này: tăng giá cước dịch vụ 3G, Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệt và Nguyễn Thanh Hải đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng.

Hiện nay, các DN viễn thông đang đối mặt với sự gia tăng rất mạnh mẽ của số người sử dụng các dịch vụ OTT miễn phí như viber, Kakao Talk, Zalo… Nếu các dịch vụ này càng mang lại nhiều lợi ích cho người dùng thì càng làm giảm doanh thu của các nhà mạng. Các đại biểu muốn biết ở góc độ quản lý nhà nước với các DN viễn thông, Bộ đã chỉ đạo làm gì?

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết OTT là 1 dịch vụ, 1 sự phát triển mới trong ngành viễn thông. Thực tế là các DN OTT đang lợi dụng mạng viễn thông của chúng ta để phát triển. Nhà nước không có chủ trương ngăn cản OTT và phải chấp nhận đây là sự phát triển tất yếu của Khoa học công nghệ, giống như việc di động thay thế điện thoại cố định những năm trước.

Hiện nay, Bộ vẫn đang từng bước nghiên cứu quản lý dịch vụ OTT để DN OTT phải chia sẻ hạ tầng mạng với chúng ta. Bộ TTTT cũng đã ra chỉ thị số 15 để quản lý dịch vụ thông tin trên mạng. Hội thảo được tổ chức vừa qua đã đánh giá nhận diện OTT và quản lý cho phù hợp.

Việc tăng cước 3G không phải chỉ vì OTT. Đây chỉ là 1 phần lý do, mà cái chính là tăng theo lộ trình. Nhưng đúng là OTT khiến cho DN giảm thu nhập, không chỉ VN mà trên toàn thế giới. Ước tính các DN viễn thông toàn cầu bị thiệt hại 20 tỷ USD trong năm nay và 54 tỷ USD trong 2016.

Việc tăng giá cước không chỉ để thu lại lợi nhuận cho việc đầu tư hạ tầng mạng mà còn nhằm tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời cũng để bù đắp phần bị hụt do OTT. Tuy nhiên đây chỉ là 1 phần lý do.

Về dịch vụ 3G, các đại biểu nêu ý kiến rằng việc tăng giá cước nhưng chưa đi cùng với cải thiện chất lượng dịch vụ?

Bộ trưởng cũng đồng ý việc điều chỉnh cước 3G vừa qua tạo nên nhiều ý kiến trong dư luận. Bộ đã tổ chức Họp báo để giải đáp rõ ràng về điều này.

Việc tăng giá là phù hợp điều 43 Luật viễn thông, điều 5 Luật giá, điều 13,19,20 luật cạnh tranh và theo cam kết quốc tế. Do đó DN không thể bán dịch vụ dưới giá thành.

Quyết định số 32 của Chính Phủ quy hoạch lại thị trường viễn thông cũng xác định phải từng bước nâng giá viễn thông, đảm bảo giá thành để cạnh tranh lành mạnh. Các nhà chiếm lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành. Và giá chúng ta so với giá thế giới là thấp hơn nhiều lần.

Việc tăng giá cước 3G là việc bình thường và mang yếu tố Xã hội. Tất cả nhà mạng này đều của Nhà nước nên tăng giá cước là tăng đóng góp cho NN. Cụ thể năm vừa qua, VNPT đóng góp 7.300 tỷ, Viettel 11.300 tỷ cho đất nước. Bên cạnh đó, tất cả các nhà mạng khi xây dựng hạ tầng viễn thông đều phải nhập máy móc thiết bị ở nước ngoài với giá cao. Khi khách hàng sử dụng internet, nhà mạng phải thanh toán với nhà cung cấp quốc tế.

Chất lượng mạng quả thực chưa cao. Chúng ta đã đầu tư 2 tỷ USD vào 3G và chưa có điều kiện để nâng cấp hệ thống trong khi số người sử dụng ngày càng tăng lên. Thiết bị cho 3G đắt hơn rất nhiều 2G. Việc nâng giá cước sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng.

Câu hỏi thứ ba dành cho Bộ trưởng là về vấn đề đầu tư hạ tầng nâng cấp công nghệ. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc 3G đã phủ sóng toàn quốc cho thấy có vẻ doanh nghiệp viễn thông không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Trước việc tăng giá cước dịch vụ, Bộ nêu quan điểm cần có thời gian khai thác hạ tầng đầu tư và khấu hao thiết bị sau 4 năm đầu tư cho 3G.

Công nghệ 3G mới được đầu tư trong 4 năm trong khi công nghệ 4G đang chờ đợi. Vậy Bộ chuẩn bị gì cho việc triển khai 4G và khi nào 4G được cung cấp tại Việt Nam?

Bộ trưởng trả lời: 3G bắt đầu kinh doanh trên thế giới từ những năm 2000. Việt Nam đã đầu tư 2G ngay từ đầu tiên. Năm 1993, Mobiphone đã tiếp nhận ngay công nghệ. Sau đó là Vinaphone. Năm 2004 Viettel đi vào hoạt động. Từ đó đến nay 3 nhà mạng đã làm chủ thị trường viễn thông. Ngành TTTT đã phát triển mạnh mẽ từ dịch vụ cao cấp trước đây thành bình dân đến với mọi người và là 1 trong số ít ngành thắng trên sân nhà.

Với công nghệ mới ra đời, người đi sau phải tiếp thu và học tập nếu có cơ hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức viễn thông quốc tế, công nghệ hiện nay mới chỉ là tiền 4G. Thái Lan mới làm 3G vào tháng 3/2013 nhưng đã chuẩn bị làm 4G vào năm 2015. Chúng ta cũng sẽ thực hiện Quyết định số 32, từng bước nghiên cứu dịch vụ mới để áp dụng vào VN, áp dụng 4G khoảng năm 2015 nhưng phải căn cứ tình hình cụ thể. Hiện cũng đã cấp phép 1 số DN thử nghiệm tiền 4G tại VN.

Mỹ Chi

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên